Anh trưng cầu ý dân trên quần đảo tranh chấp với Argentina

(VOV) - Phía Argentina đã ra tuyên bố phản đối cuộc trưng cầu này, cho rằng nó chỉ phản ánh nguyện vọng của “thực dân”.

Hôm nay (10/3), người dân đang sinh sống trên quần đảo Falklands đang tranh chấp giữa Anh và Argentina, mà Buenos Aires gọi là Malvinas đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân để quyết định quần đảo này sẽ tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Anh hay sẽ trở thành một phần lãnh thổ của Argentina.

Có tổng cộng 2.800 cư dân sinh sống trên quần đảo này sẽ đi bỏ phiếu trong 2 ngày 10-11/3. Hội đồng Hành pháp quần đảo  nêu rõ câu hỏi trưng cầu ý dân sẽ là: "Bạn có muốn quần đảo Falklands giữ nguyên địa vị chính trị hiện nay là một vùng lãnh thổ nước ngoài của Vương quốc Anh hay không?" và người dân đảo sẽ bỏ phiếu "Có hoặc Không". Giới chức quốc phòng Anh  đã triển khai thêm binh sĩ, tàu chiến và các máy bay để đảm bảo an ninh cho cuộc trưng cầu ý dân.

Mũ sắt mà quân Argentina bỏ lại sau khi thất trận trước quân Anh trên quần đảo tranh chấp (ảnh: PA)


Quan hệ giữa Anh và Argentina liên quan quần đảo tranh chấp đã trở nên căng thẳng, sau khi London cho phép các công ty thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển tranh chấp. Với tổng diện tích vùng biển bao quanh có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2, khu vực này được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng dầu khí khổng lồ.

Từ năm 1965, Liên Hợp Quốc đã thông qua nhiều nghị quyết kêu gọi hai bên đàm phán giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, London luôn từ chối thương thuyết với lý do tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo muốn lãnh thổ này thuộc chủ quyền của Anh. Chính phủ Anh cho rằng, chủ quyền của quần đảo sẽ do người dân trên đảo tự quyết định. Một nghị sĩ Anh Guy Opperman cho rằng: “Cuộc trưng cầu ý dân này sẽ giúp mỗi công dân trên đảo có cơ hội để xác định cách họ sẽ sống như thế nào. Họ cũng sẽ tự quyết định về chính quyền điều hành trên đảo”.

Tuy nhiên, phía Argentina phản đối lập luận của Anh, khẳng định rằng sau khi chiếm đóng Malvinas năm 1833, Anh đã trục xuất người Argentina và đưa người Anh tới sinh sống nên nguyện vọng mà London nói đến chỉ là nguyện vọng của những “kẻ thực dân”.

Chủ tịch Ủy ban Quốc hội phụ trách các vấn đề quốc tế của Argentina Daniel Filmus nhấn mạnh: “Đây là một vùng lãnh thổ bị thực dân hóa bởi người Anh. Họ đã đưa người dân Anh đến sinh sống trên quần đảo. Cuộc trưng cầu ý dân này chỉ là cách tự làm thỏa mãn mình, khi hỏi người Anh rằng liệu họ có phải là công dân Anh hay không? Đối với chúng tôi điều này thật là vô ích khi chúng tôi có thể biết kết quả, thậm chí trước khi cuộc trưng cầu ý dân diễn ra”.

Bộ Ngoại giao Argentina hôm 9/3 cũng ra tuyên bố phản đối cuộc trưng cầu ý dân. Chính phủ Argentina cho rằng những nỗ lực của chính phủ Anh muốn chiếm quần đảo thông qua cuộc trưng cầu ý dân là vi phạm luật pháp quốc tế và nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Tuyên bố cũng nêu một nghị quyết được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1965, qui định rõ người dân trên đảo không có quyền tự quyết về chủ quyền quần đảo. Argentina tiếp tục kêu gọi đàm phán với Anh về chủ quyền quần đảo.

Theo khảo sát của phía Anh trước thềm cuộc trưng cầu, phần lớn người dân đều muốn vùng lãnh thổ này thuộc Anh. Vì vậy, kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần này có thể sẽ đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Argentina lên một nấc thang căng thẳng mới . Xung đột giữa hai nước liên quan đến quần đảo tranh chấp này cũng đã xảy ra năm 1982 làm 649 binh sĩ Argentina và 255 lính Anh thiệt mạng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Argentina đưa tranh chấp quần đảo Falklands ra LHQ
Argentina đưa tranh chấp quần đảo Falklands ra LHQ

Căng thẳng giữa Argentina và Anh gia tăng những tháng gần đây, đặc biệt sau khi các công ty Anh bắt đầu khai thác dầu ngoài khơi gần đó.

Argentina đưa tranh chấp quần đảo Falklands ra LHQ

Argentina đưa tranh chấp quần đảo Falklands ra LHQ

Căng thẳng giữa Argentina và Anh gia tăng những tháng gần đây, đặc biệt sau khi các công ty Anh bắt đầu khai thác dầu ngoài khơi gần đó.

Trưng cầu chủ quyền quần đảo Falklands/Malvinas
Trưng cầu chủ quyền quần đảo Falklands/Malvinas

Quần đảo này gây tranh chấp giữa Anh và Argentina từ năm 1833 có diện tích khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2.

Trưng cầu chủ quyền quần đảo Falklands/Malvinas

Trưng cầu chủ quyền quần đảo Falklands/Malvinas

Quần đảo này gây tranh chấp giữa Anh và Argentina từ năm 1833 có diện tích khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2.