Anh: Tự do đi lại ở Biển Đông “không phải để đem ra đàm phán”
VOV.VN- Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuyên bố, mọi hành động ngăn chặn tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông phải được coi là “vượt qua ranh giới đỏ”.
AFP dẫn lời ông Hammond phát biểu với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario trong chuyến công du nước này ngày 7/1 nhấn mạnh: “Tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không phải là thứ để đem ra đàm phán. Đó chính là “ranh giới đỏ” mà chúng ta cần tôn trọng”.
Ông Hammond cũng khẳng định, Anh sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do đi lại của mình trong khu vực.
Ảnh vệ tinh cho thấy một đảo nhân tạo bị Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông. Ảnh CSIS/AMTI |
Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc trong những ngày gần đây đã tiến hành đưa máy bay hạ cánh trên một trong số các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Del Rosario bày tỏ lo ngại, hành động này của Trung Quốc có thể tạo cớ cho nước này ra yêu sách thành lập Khu vực Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông tương tự như trước đó nước này đã làm ở biển Hoa Đông hồi năm 2013 khiến Nhật Bản hết sức tức giận.
“Nếu hành động này của Trung Quốc không bị lên án, nước này có thể đưa ra yêu sách rằng, họ có thể thiết lập ADIZ ở Biển Đông và dù việc này được thực hiện trên thực địa hay thông qua phát ngôn chính thức của Trung Quốc, chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận”, ông Del Rosario nói.
Trước đó, Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn” của nước này bao trùm gần trọn Biển Đông. Dự kiến PCA sẽ ra phán quyết về vụ này vào giữa năm nay.
Trung Quốc đã tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa và nhấn mạnh các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết song phương.
Tuy nhiên, phát biểu với ông Hammond, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nhấn mạnh: “Dù phán quyết của tòa có thế nào, chúng tôi cũng tôn trọng. Chúng tôi mong rằng Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy”.
Ngoại trưởng Anh Hammond tuyên bố, dù không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, Anh mong muốn các bên giải quyết bất đồng thông qua luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi công nhận tính pháp lý của PCA và sẽ tuân thủ phán quyết của tòa”, ông Hammond nói.