Áp lực lên Ba Lan khi thông qua luật Holocaust liên quan phát xít Đức
VOV.VN - Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki vừa lên tiếng trấn an dư luận về những tác động của Luật Holocaust.
Luật trên đã được thông qua nhưng vấp phải chỉ trích từ phía Mỹ và Israel.
Ông Morawiecki đồng thời khẳng định luật này không ảnh hưởng tới quan hệ với các nước liên quan, trong đó có Mỹ.
Nạn nhân thảm sát Holocaust. Ảnh: ICRC. |
Phát biểu với báo chí trong chuyến thăm tới thị trấn Pisz phía Đông Bắc Ba Lan ngày 9/2, Thủ tướng Morawiecki mô tả luật mới đã gây “hiểu nhầm” cho các nước liên quan, trong đó có Israel và Mỹ, và cho rằng hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới quan hệ với các nước này.
Thủ tướng nhấn mạnh Ba Lan vẫn đang có mối quan hệ hợp tác rất tốt đẹp với Mỹ không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà còn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư.
Trước đó, Israel và Mỹ đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Ba Lan ký luật Holocaust đề xuất áp dụng các mức phạt hoặc bỏ tù cho bất cứ ai cáo buộc Ba Lan dính líu tới các cuộc thảm sát người Do Thái do phát xít Đức thực hiện trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2 khi sử dụng cụm từ “Trại tử thần Ba Lan”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng luật mới có thể gây tổn hại tới quan hệ và lợi ích chiến lược với hai đồng minh của Ba Lan là Mỹ và Israel.
Tại Ba Lan, luật mới được xây dựng nhằm ngăn cấm cách sử dụng cụm từ “Trại tử thần Ba Lan” - một cách nói ám chỉ sự dính líu của người dân nước này vào các vụ thảm sát Holocaust tai tiếng trước đây. Đã từ lâu Ba Lan phản đối cách dùng cụm từ như vậy vốn vẫn được sử dụng trên các phương tiện truyền thông nước ngoài.
Tuy nhiên, phía Israel cho rằng với động thái ký ban hành luật, Ba Lan đang cố chối bỏ sự thật lịch sử. Một số nhà sử học và một số người sống sót còn lại từ các vụ thảm sát Holocaust cho rằng người Ba Lan có dính líu tới các vụ thảm sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Theo thống kê, từ năm 1939 tới năm 1945 có khoảng 6 triệu người Ba Lan, trong đó có gần 3 triệu người gốc Do Thái, đã bị giết hại tại các trại tập trung do Đức Quốc xã lâp nên trên lãnh thổ Ba Lan./.