ASEAN tiếp tục đóng vai trò động lực trong EAS và ARF
VOV.VN - Các Bộ trưởng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của ARF là một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy đối thoại, tham vấn và hợp tác.
Hôm nay (10/8), tại Nay Pyi Taw, Myanmar, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và các hội nghị liên quan bước vào ngày làm việc cuối cùng với hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác là Australia và New Zealand, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản-Mekong lần thứ 7, hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước tham gia cấp cao Đông Á lần thứ 4 (EAS FMM 4) và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF 21).
Các bộ trưởng ngoại giao tham dự hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước tham gia cấp cao Đông Á lần thứ 4 (EAS FMM 4) đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy hơn nữa để hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia cấp cao Đông Á trở thành một diễn đàn của các nhà lãnh đạo với mục đích đối thoại và hợp tác về lợi ích chung trên các vấn đề chiến lược, chính trị, kinh tế rộng lớn dựa trên các nguyên tắc, mục tiêu và phương thức như được phản ánh trong Tuyên bố Kuala Lumpur 2005 về Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Tuyên bố Hà Nội 2010 Kỷ niệm lần thứ 5 Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Tuyên bố năm 2011 của Hội nghị cấp cao Đông Á về nguyên tắc quan hệ đôi bên cùng có lợi (Nguyên tắc Bali), với ASEAN là động lực chính.
Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác hàng hải để có thể quản lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến hàng hải, bao gồm cả an ninh hàng hải, kết nối hàng hải, tự do hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường biển, và thủy sản.
Tại diễn đàn, các bộ trưởng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của ARF là một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy đối thoại, tham vấn và hợp tác về các vấn đề chính trị và an ninh cùng quan tâm. Tái khẳng định vai trò trung tâm và tích cực của ASEAN là động lực trong ARF, các bộ trưởng nhắc lại cam kết thực hiện Kế hoạch Hành động Hà Nội để thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF để thúc đẩy tiến trình ARF tiến tới giai đoạn ngoại giao phòng ngừa, trong khi tiếp tục những nỗ lực xây dựng lòng tin, thông qua việc thực hiện cụ thể, hành động theo định hướng, và thực tế hoạt động.
Bên lề các hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar Ye Htut cho biết: “Chúng tôi đã có nguyên tắc về vấn đề biển Đông. Trong đó, điểm quan trọng nhất là tất cả các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình cũng như tất cả các bên phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về luật biển 1982. Vấn đề quan trọng tiếp theo là thực thi đầy đủ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông cũng như đạt được các tiến bộ trong việc thúc đẩy thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông COC. Đó cũng là các quy định mà ASEAN thực hiện đối với vấn đề biển Đông. ASEAN sẽ tạo môi trường thuận lợi mà trong đó giúp thúc đẩy một giải pháp hòa bình về vấn đề này.”
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam ủng hộ ‘Kế hoạch Colombo mới’ của Australia và thông báo Việt Nam sẵn sàng tham gia chương trình này. Bà Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam đối với sáng kiến và nỗ lực của Australia nhằm tăng cường hợp tác với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Theo kế hoạch, tối nay, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và các hội nghị liên quan sẽ bế mạc với việc thông qua Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị ARF 21 và Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS)./.