Australia cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Thái Bình Dương
VOV.VN - Australia sẽ ưu tiên tăng viện trợ cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương trong khi giảm tổng số tiền viện trợ trên toàn thế giới.
Theo ngân sách năm tài khóa mới được Chính phủ Australia công bố, một loạt các quốc đảo ở Thái Bình Dương sẽ được nhận thêm viện trợ phát triển. Đó là Tuvalu, Solomon và Papua New Guinea.
Hạm đội tàu chiến Australia ở Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
Cụ thể, Tuvalu, quốc đảo nhỏ chỉ có 11.000 dân đang trở thành quốc gia ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Australia khi nước này sẽ chi 8,4 triệu AUD để thành lập Cơ quan đại diện ngoại giao tại đây.
Như vậy, Australia sẽ sớm trở thành quốc gia và vùng lãnh thổ thứ 2 đặt phái đoàn ngoại giao tại Tuvalu. Dự kiến, phái đoàn ngoại giao của Australia tại Tuvalu sẽ có 14 người, thuộc loại đông nhất trong khu vực.
Papua New Guinea cũng sẽ được nhận thêm 46,6 triệu AUD, nâng tổng số viện trợ phát triển mà nước này nhận được từ Australia lên tới 519,5 triệu AUD.
Trong năm tài khóa mới, Australia cũng tăng viện trợ cho Solomon thêm 53,4 triệu AUD, đưa tổng viện trợ cho quốc đảo này lên 146,1 triệu AUD. Phần lớn số tiền viện trợ cho hai quốc đảo này sẽ được sử dụng để xây dựng cáp internet dưới đáy biển.
Thái Bình Dương trở thành điểm ưu tiên trong chính sách viện trợ phát triển của Australia khi nhận được khoảng 30% tổng số tiền viện trợ của Australia, lên mức 1,3 tỷ AUD so với mức dưới 1,1 tỷ AUD vào năm ngoái. Việc tăng viện trợ cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương diễn ra trong lúc Australia giảm 141,1 triệu AUD trong tổng số tiền viện trợ phát triển toàn cầu.
Thực tế này là sự cụ thể hóa chính sách được chính quyền Australia công bố trong Sách trắng Quốc phòng Australia 2016 và Sách trắng Ngoại giao Astralia 2017 trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của việc đẩy mạnh sự can dự ở Thái Bình Dương, khu vực mà các con tàu thương mại Australia, chở hàng hóa trị giá hàng tỷ USD qua lại mỗi năm.
Australia gia tăng can dự tại Thái Bình Dương trong bối ảnh Trung Quốc đang từng bước đẩy mạnh ảnh hưởng tại khu vực này. Những năm gần đây, Trung Quốc đầu tư nhiều tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng tại Fiji, Tonga, Samoa và Vanuatu vì thế Australia cũng không muốn bị Trung Quốc “vượt mặt”.
Australia chuẩn bị xây dựng cáp internet dưới đáy biển tại Tuvalu và Papua New Guinea cũng là để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc khi mà quốc đảo Solomon vừa tuyên bố công ty viễn thông Hoa Vỹ (Huawei) của Trung Quốc sẽ xây dựng tuyến cáp nối thủ đô Honiara của nước này tới Sydney, Australia.
Australia luôn là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, gần đây, vị trí này đang bị Trung Quốc đe dọa sau hàng loạt các dự án lớn tại các quốc đảo ở đây.
Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường quan hệ chặt chẽ về chính trị, Australia đang sử dụng viện trợ như là một công cụ mềm để củng cố quan hệ với các quốc đảo ở Thái Bình Dương./.
Australia quan ngại Trung Quốc triển khai tên lửa tại Trường Sa