Australia hỗ trợ các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương ứng phó với biến đổi khí hậu
VOV.VN - Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland), Vương quốc Anh, Thủ tướng Australia cho biết nước này sẽ chi 2 tỷ AUD để hỗ trợ các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đang ở Anh để tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu (COP26). Trong bài phát biểu tại Hội nghị ngày 1/11, Thủ tướng Scott Morrison cho biết, nước này sẽ tăng gấp đôi số tiền hỗ trợ các quốc gia Thái Bình Dương và Đông Nam Á lên thành 2 tỷ AUD nhằm giúp các quốc gia này ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Morrison khẳng định, “số tiền này sẽ được chuyển thẳng đến khu vực” nhằm hỗ trợ “khả năng phục hồi và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trong đó, 200 triệu AUD sẽ được dành cho các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua việc tài trợ cho các dự án.
Bên lề hội nghị, Australia cũng vừa thông báo khoản chi trị giá 44 triệu AUD để hỗ trợ các khoản tín dụng minh bạch, giúp các quốc gia ở Nam Thái Bình Dương có hành động thiết thực nhằm làm giảm lượng khí thải nhà kính. Đồng thời, Australia cũng đang tìm cách để giảm giá thành sản xuất điện ở các nước Nam Thái Bình Dương.
Thủ tướng Australia Scott Morrison tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu (COP26) trong bối cảnh đến năm 2030, Australia sẽ cắt giảm được 35% lượng khí thải nhà kính. Đây là mức cắt giảm vượt xa mục tiêu đưa ra trong Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Không chỉ vậy, Australia cũng vừa cam kết sẽ đưa mức bù trừ carbon về 0 vào năm 2050 theo cách thức riêng của Australia. Trong đó, thay vì sử dụng biện pháp thuế như cách mà nhiều quốc gia áp dụng thì Australia sẽ sử dụng công nghệ để đạt được mục tiêu này.
Trong một thập kỷ tới, Australia sẽ đầu tư 20 tỷ AUD cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang các dạng năng lượng mới. Cùng với các khoản đầu tư của tư nhân, tổng mức chi cho quá trình này có thể lên tới 80 tỷ AUD. Hiện Australia đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác với các quốc gia như Singapore, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ để tiến tới các giải pháp công nghệ hữu ích giúp cắt giảm khí thải nhà kính./.