Ba lý do vụ Chu Vĩnh Khang có ích cho Trung Quốc
VOV.VN - Theo chuyên gia Ting Lu, kinh tế Trung Quốc có nhiều lý do để hy vọng và lạc quan hơn sau vụ Chu Vĩnh Khang.
Theo Business Insider, ngày 29/7, Trung Quốc đã thông báo chính thức tiến hành điều tra Nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.
Việc Trung Quốc chính thức công bố quyết định tiến hành điều tra đối với cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" được xem là nỗ lực lớn trong chiến dịch đấu tranh phòng chống tham nhũng do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động từ sau Đại hội 18 đến nay.
Chuyên gia Ting Lu của Ngân hàng Bank of America nhận định: “Với việc điều tra một nhân vật từng giữ vị trí cao cấp trong bộ máy nhà nước, tôi tin rằng trọng tâm của Chính phủ Trung Quốc có thể bắt đầu chuyển từ chiến dịch chống tham nhũng sang cải cách thể chế thực sự. Điều này được cho là rất cần thiết để đảm bảo ‘sức khỏe’ dài hạn cho nền kinh tế Trung Quốc”.
Theo chuyên gia Ting Lu, có ba lý do để hy vọng và lạc quan hơn vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sau vụ Chu Vĩnh Khang.
Thứ nhất, việc điều tra xử lý nhân vật được xem là một "con hổ lớn" trong chiến dịch đấu tranh phòng chống tham nhũng do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động kể từ sau Đại hội 18 cho thấy Chính phủ của ông Tập đã có tiến bộ đáng kể trong việc củng cố quyền lực mà điều đó có thể đóng góp tích cực cho nền kinh tế và thị trường tài chính Trung Quốc.
Thứ hai, động thái này khơi dậy niềm hy vọng cho những cải cách thiết yếu của Trung Quốc.
Cuối cùng, việc mạnh tay xử lý triệt để những "con hổ lớn" trong chiến dịch đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ giúp Chính phủ Trung Quốc có thể tập trung vào các vấn đề kinh tế trong tương lai gần.
Trên thực tế, trong ngắn hạn, việc mạnh tay với nạn tham nhũng có tác động mạnh đến Trung Quốc. Sau khi có một sự khởi đầu không ổn định trong thời gian đầu năm 2014, GDP của Trung Quốc đã tăng 7,5% trong quý II.
Chuyên gia Ting Lu cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chứng tỏ họ có ý chí chính trị để hướng tới “cải cách theo hướng thị trường” và điều này là hữu ích cho nền kinh tế nước này trong dài hạn./.