Bạo lực Trung Đông sẽ bùng phát nếu đàm phán bế tắc
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo về bạo lực bùng phát Trung Đông nếu Israel và Palestine không đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Kết thúc chuyến thăm tới Israel và Palestine trong 2 ngày vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các bên nhanh chóng trở lại bàn đàm phán hòa bình. Ông tin tưởng rằng, cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ sẵn sàng đàm phán vì lợi ích chung của 2 nước và cả khu vực. Ông Kerry cũng nhắc lại cam kết của Mỹ hỗ trợ và thúc đẩy mọi nỗ lực hòa bình cho Israel và Palestine.
Vấn đề khu định cư Do Thái vẫn gây chia rẽ Israel và Palestine (Ảnh AFP) |
Phát biểu hôm 8/11 khi tới Jordani, Ngoại trưởng Kerry nói: “Tổng thống Mỹ Barack Obama và nước Mỹ cam kết thực hiện mọi nỗ lực để thúc đẩy hòa đàm Israel-Palestine. Chúng tôi mong muốn một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho cả người dân 2 nước. Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã tái khẳng định cam kết đàm phán của họ”.
Đàm phán hòa bình Israel-Palestine, được nối lại tháng 8 vừa qua sau 3 năm đình trệ, nhờ vào nỗ lực ngoại giao con thoi của ngoại trưởng Mỹ Kerry. Lộ trình mà ông Kerry đề xuất cho tiến trình hòa bình Trung Đông là một cuộc đàm phán kéo dài 9 tháng giữa Israel và Palestine, để đi tới một thỏa thuận cuối cùng dựa trên nền tảng của giải pháp 2 nhà nước.
Theo đó, Israel sẽ chung sống hòa bình bên cạnh nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel ngày 6/11 tại Jerusalem, Ngoại trưởng Mỹ tin tưởng rằng, trong 6 tháng còn lại của kế hoạch đàm phán 9 tháng mà ông đề xuất, các bên vẫn có thể đạt được những tiến triển và một thỏa thuận thực sự. Điều cần thiết để mang đến thành công cho đàm phán là những thỏa hiệp thực sự và các quyết định nghiêm túc từ 2 bên.
Cuộc hòa đàm Trung Đông tháng 8 vừa qua bước đầu diễn ra suôn sẻ khi Israel đáp ứng yêu cầu thả tù nhân của Palestine. Song tín hiệu tích cực này không đủ để cứu vãn cuộc đàm phán khỏi vết xe đổ năm 2010, khi kế hoạch của Israel xây dựng nhà định cư cho người Do Thái trên phần đất chiếm đóng vẫn là “nút thắt chính” trên bàn thảo luận.
Việc Israel thông qua kế hoạch xây dựng 1.200 nhà định cư tại Đông Jerusalem và Khu Bờ Tây ngay trước thềm đàm phán trực tiếp, đã vấp phải chỉ trích của Palestine và cả nhà trung gian hòa giải Mỹ.
“Nói một đằng, làm một nẻo” là điều quá quen thuộc trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Chuyến thăm tới Israel và Palestine lần này của ngoại trưởng Mỹ tiếp tục thu về những cam kết đàm phán. Nhưng để biến những cam kết này thành hành động và đàm phán thực chất lại là một chuyện khác.
Trong khi đó, cộng đồng thế giới cũng đã quen với nhiều lần “mừng hụt” vì những tín hiệu hòa đàm tích cực Israel-Palestine. Người dân Palestine đã "chào đón" Ngoại trưởng Mỹ khi ông tới thành phố linh thiêng Bethlehem bằng một cuộc biểu tình.
Một người dân Palestine nói: “Người dân Palestine mong muốn hòa bình. Chúng tôi mong muốn đàm phán diễn ra công bằng, đảm bảo quyền hồi hương và tự quyết của người Palestine. Chúng tôi muốn có một nhà nước độc lập, tất cả các tù nhân được phóng thích và Israel chấm dứt mở rộng các khu tái định cư”.
Với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, ngoài những cam kết họ vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về thất bại của đàm phán. Thủ tướng Israel Netanyahu thừa nhận, các cuộc đàm phán hòa bình với Palestine đã thất bại khi không đạt được bất cứ tiến triển thực sự nào. Ông Netanyahu cho rằng, phía Palestine tiếp tục kích động và chối bỏ quyết định lịch sử để đưa 2 bên tới một nền hòa bình thực sự.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo Palestine, chỉ trích việc Israel xây dựng thêm 3.500 căn nhà mới cho người định cư Do Thái tại Khu Bờ Tây chính là nguyên nhân khiến đàm phán thất bại. Dù hai bên đều bày tỏ hy vọng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ sẽ đưa đàm phán trở lại quỹ đạo, song kể cả khi điều này xảy ra thì vấn đề Israel-Palestine vẫn sẽ là “rượu cũ” được đựng trong “bình mới”./.