Bầu cử châu Âu 2024 và “cơn đau đầu” mang tên Hà Lan
VOV.VN - Hà Lan là quốc gia châu Âu mới nhất chứng kiến sự chuyển dịch chính trị mạnh mẽ sang cánh hữu.
Việc các đảng dân tuý và cánh hữu ngày càng nhận được sự ủng hộ của cử tri như tại Hà Lan đang thách thức giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới đang tới gần.
Đảng Tự do theo đường lối cực hữu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối năm ngoái tại Hà Lan hôm qua đã công bố thoả thuận liên minh với 3 đảng cánh hữu khác. Với khẩu hiệu “Hy vọng, lòng can đảm và niềm tự hào”, thoả thuận liên minh nhấn mạnh các ưu tiên của chính phủ mới, bao gồm thắt chặt chính sách tị nạn, huỷ bỏ việc đoàn tụ gia đình đối với người tị nạn và giảm số lượng sinh viên quốc tế đang học tập tại nước này.
Lãnh đạo đảng Tự do Geert Wilders đã ca ngợi đây là một thoả thuận lịch sử: “Cùng nhau, chúng ta đang làm nên lịch sử, ngay lập tức từ đảng đối lập lớn nhất trở thành chính phủ liên minh lớn nhất. Mặt trời sẽ lại chiếu sáng ở Hà Lan. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai đọc thỏa thuận liên minh giữa 4 đảng đều nhận thấy rất nhiều thay đổi sẽ diễn ra ở Hà Lan. Chính sách tị nạn nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay, sẽ có luật khủng hoảng tị nạn và sẽ có luật kiểm soát biên giới,... Không chỉ là về vấn đề người tị nạn, hàng triệu người Hà Lan sẽ hài lòng với thỏa thuận liên minh giữa 4 đảng. Chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ vì Hà Lan và tất cả người dân Hà Lan. Và tôi hứa rằng: Hà Lan sẽ lại là của chúng ta.”
Ông Geert Wilders là một chính trị gia có tư tưởng bài Hồi giáo và hoài nghi châu Âu. Dù ông đã miễn cưỡng chấp nhận từ bỏ giấc mơ điều hành nền kinh tế lớn thứ 5, song việc Hà Lan chuẩn bị có một chính phủ cực hữu nhất trong nhiều thập kỷ không khỏi khiến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu lo ngại. Xu hướng cử tri bỏ phiếu cho các đảng theo đường lối dân tuý và cực hữu đã gia tăng và trở nên đáng chú ý trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 và ngày càng được củng cố trong những năm gần đây. Các đảng cực hữu đã lên nắm quyền tại Hungary và Italy, tham gia vào chính phủ ở Phần Lan và Slovakia và hiện nay là Hà Lan.
Kết quả các cuộc thảm dò cho thấy, với sự gắn kết cao hơn, các đảng chính thống trong Nghị viện châu Âu vẫn được cho là sẽ tiếp tục dẫn đầu trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát và môi trường tiếp tục là các chủ đề chính được cử tri quan tâm, các đảng cực hữu được dự báo tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính trị không chỉ ở cấp quốc gia, mà ở cấp độ châu Âu trong năm 2024 quan trọng này.
Để đối phó với sự nổi lên của các đảng cánh hữu, nhiều đảng phái chính thống và giới tinh hoa chính trị châu Âu đang áp dụng chiến lược hai mặt. Đó là một mặt áp dụng các chính sách cánh hữu về di cư và tích cực truyền đi “câu chuyện thành công của EU” bằng cách tập trung vào phản ứng của khối đối với cuộc khủng hoảng khí hậu, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên để biết hiệu quả của chính sách như thế nào và mức độ hội nhập của các đảng dân tuý và cực hữu tới đâu thì vẫn phải chờ kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới. Cuộc bầu cử sẽ giúp xác định ai sẽ nắm giữ các vị trí đứng đầu toàn khối, dẫn dắt Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và từ đó tạo ra ảnh hưởng đối với các quyết sách của EU trong 5 năm tới.