Bầu cử Đức: Đàm phán thành lập liên minh giữa CDU và SPD
VOV.VN - Ngày 24/2, lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử Đức ở thời điểm hiện tại, ông Friedrich Merz tuyên bố sẽ bắt đầu đàm phán liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong những ngày tới để đẩy nhanh quá trình thành lập chính phủ và cùng nhau lãnh đạo đất nước.
Thủ tướng tiềm năng của nước Đức, Friedrich Merz cho biết đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán về việc thành lập liên minh “đen-đỏ”, cách chơi chữ dựa trên màu của hai đảng CDU và SPD, đồng thời nhấn mạnh mong muốn thành lập một chính phủ mới trước lễ Phục sinh (20/4) sắp tới.

Đây được coi là nỗ lực của ông Merz trong việc đẩy nhanh quá trình thành lập chính phủ và qua đó, có những quyết định kịp thời để vực dậy nền kinh tế nước Đức, vốn gặp nhiều khó khăn trong nhiều tháng trở lại đây.
Trên thực tế, các cuộc đàm phán thành lập liên minh chính phủ ở Đức thường kéo dài nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz đã mất gần 1 tháng để thành lập liên minh 3 đảng trong cuộc bầu cử năm 2021 và cựu Thủ tướng Angela Merkel đã mất gần 6 tháng để xây dựng được chính phủ trong cuộc bầu cử năm 2017.
Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định, các cuộc đàm phán liên minh lần này của ông Merz sẽ có thể kéo dài nhiều tuần nếu không giải quyết được 2 vấn đề chính: đầu tiên là vấn đề nới lỏng “phanh nợ”, một cơ chế được đặt ra để hạn chế việc Chính phủ Đức chi tiêu “mất kiểm soát” và tiếp tục vay nợ nhiều hơn mức thu thực tế, qua đó làm gia tăng nợ công. Ông Merz sẽ cần đến cơ chế này để có đủ kinh phí tái đầu tư cho nền kinh tế cũng như gia tăng chi tiêu cho quốc phòng. Và để có thể làm được, Thủ tướng tương lai của Đức sẽ cần sự đồng ý của tối thiểu 2/3 tổng số nghị sĩ Quốc hội.
Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), xếp thứ 2 trong cuộc bầu cử lần này, tuyên bố sẽ không nới lỏng “phanh nợ”, cho rằng tiền thuế của người Đức phải được chi “hợp lý” cũng như cần loại bỏ các chương trình lãng phí của chính phủ và tập trung vào những vấn đề “cốt lõi”.
Về phần mình, đảng “Cánh tả” (Die Linke), lực lượng đạt gần 9% số phiếu ủng hộ với dự kiến có được 64 ghế tại Quốc hội Đức nhiệm kỳ này, cũng có phản ứng gay gắt về vấn đề nới lỏng “phanh nợ” và cho biết sẽ “không tham gia vào các cuộc đàm phán bẩn” nhằm tăng chi tiêu cho quốc phòng hay nới lỏng vấn đề tị nạn.
Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz đã lên tiếng bày tỏ hoài nghi về kế hoạch này. Tương tự, đảng Xanh cũng yêu cầu phải có một lộ trình cụ thể trước khi ông Merz lên nắm quyền.
Ngoài ra, vấn đề về năng lượng cũng sẽ là bài toán lớn mà ông Merz phải đối mặt. Hai đảng CDU và SPD đều có cùng quan điểm về việc đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo nhưng lại có khác biệt lớn trong vấn đề tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân.
Đây nhiều khả năng sẽ là nguồn gốc cho sự rạn nứt của chính phủ mới kể từ khi còn chưa được thành lập. Bài toán về năng lượng đang đè nặng lên nước Đức. Nếu chính phủ mới không tìm ra biện pháp hữu hiệu, các doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục tục chịu ảnh hưởng nặng nề, làm giảm sức cạnh tranh và kéo theo nền kinh tế tiếp tục “thụt lùi”.