Bầu cử Quốc hội và xu hướng phân cực trên chính trường Pháp

VOV.VN - Tác động lớn nhất của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp lần này sẽ không phải là mối lo của phe cực hữu, mà là ở xu hướng phân chia dứt điểm chính trường Pháp thành 3 cực và ở khả năng phe cánh tả tạo được đột phá.

Cuộc bầu cử được chú ý đặc biệt

Theo truyền thống trong nền chính trị Pháp, cuộc bầu cử Tổng thống luôn là cuộc bầu cử quan trọng nhất, được cử tri Pháp tham gia đông đảo nhất và được gọi là “Vua của các cuộc bầu cử”. Tiếp đến, cuộc bầu cử Quốc hội được xem là cuộc bầu cử quan trọng thứ hai và trước đây từng được gọi là “Hoàng hậu của các cuộc bầu cử”.

Trong các thập kỷ 70-80, số lượng cử tri Pháp đi bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử Quốc hội luôn ở mức rất cao, là từ 80-85%, tức ngang ngửa với bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, mức độ quan tâm của cử tri Pháp đối với cuộc bầu cử này đã liên tục giảm sút trong suốt 3 thập kỷ qua và ở lần bầu cử gần nhất năm 2017, tỷ lệ cử tri Pháp vắng mặt tại vòng 1 bầu cử Quốc hội lên tới trên 50%.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này đó là sự phân hoá của nền chính trị Pháp ngày càng sâu sắc, các đảng phái truyền thống đánh mất vai trò trong khi các đảng phái mới nổi lên lại chưa tạo dựng được các nền tảng cử tri vững chắc tại cơ sở. Ngoài ra, người dân Pháp nói chung ngày càng mất niềm tin vào giới chính trị gia bởi trong nhiều năm qua, có rất nhiều hứa hẹn tranh cử không được thực hiện, bức tranh kinh tế Pháp nhìn chung không khởi sắc và mức độ xa rời giữa các dân biểu với công chúng cũng ngày càng lớn hơn. 

Tất cả những điều này sẽ chưa thay đổi trong kỳ bầu cử Quốc hội Pháp năm nay bởi các cuộc thăm dò mới nhất trước vòng 1 bầu cử hôm nay cho thấy, tỷ lệ cử tri Pháp vắng mặt vẫn sẽ ở mức rất cao, có thể tạo nên một kỷ lục mới ngang bằng với năm 2017, xoay quanh mức 50% vắng mặt, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay gây chú ý ở một khía cạnh khác: đó là khả năng sẽ không có một đa số Tổng thống tại Quốc hội Pháp năm nay.

Trong quá khứ của nền Cộng hoà thứ 5 nước Pháp, thông thường các cử tri Pháp luôn có xu hướng bỏ phiếu ủng hộ cho đảng của Tổng thống vừa đắc cử để qua đó tạo nên một đa số Tổng thống tại Quốc hội, giúp chính quyền của Tổng thống mới điều hành quốc gia, triển khai các chính sách một cách thuận lợi hơn.

Điều này đặc biệt đúng vào năm 2017 khi đảng của ông Macron, khi đó mang tên là đảng “Tiến bước” (En Marche) đã chiến thắng áp đảo trong bầu cử Quốc hội dù bản thân là một đảng vô cùng non trẻ, mức thành lập từ cách đó 1 năm. Nhưng năm nay, tình thế có thể sẽ rất khác biệt. Các phân tích chính trị cho thấy, đảng của ông Emmanuel Macron, hiện nay được đặt dưới cái tên mới là “Phục hưng” nằm trong liên minh “Chung sức” sẽ rất khó lặp lại thành tích năm 2017 và các liên minh đối thủ khác, đặc biệt là Liên minh nhân dân và sinh thái mới (Nupes) có thể sẽ chiến thắng.

Do đó, giới quan sát chính trị cũng như các cử tri Pháp đang rất chờ đợi xem liệu Nupes có chiến thắng hay không và trong trường hợp Nupes chiến thắng, liệu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chấp nhận một sự “chung sống chính trị”, tức đưa 1 người từ đảng đối lập lên làm Thủ tướng hay không? Đây chính là mấu chốt của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay, khi nhiều người đã nói đến kịch bản là thủ lĩnh của Liên minh Nupes là ông Jean-Luc Mélenchon có thể sẽ lên làm Thủ tướng Pháp nếu Nupes chiến thắng. Khi đó cục diện chính trường Pháp sẽ vô cùng phức tạp.

Ngoài ra, một điểm khác khiến cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay được chú ý đó là rất nhiều thành viên trong chính phủ mới của Pháp, mới nhậm chức cách đây hơn 1 tháng, trong đó có cả nữ Thủ tướng Elisabeth Borne, sẽ tham gia tranh cử. Nhiều nhân vật trong số này chưa từng một lần tham gia tranh cử và được là dân biểu nên rất nhiều người cũng thắc mắc trong trường hợp nữ Thủ tướng hay một số Bộ trưởng Pháp thất bại tại các đơn vị bầu cử thì liệu những người này có từ chức hay không? Nói cách khác, đây cũng sẽ là một bài kiểm tra riêng đối với các chính trị gia này sau khi đã được bổ nhiệm giữ các chức vụ trong chính phủ mới tại Pháp.

Liên minh của Tổng thống Macron chưa chắc giành đa số tuyệt đối?

Các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp trong vài năm qua có độ chính xác tương đối cao. Trong tất cả các cuộc bầu cử Tổng thống, bầu cử địa phương hay bầu cử châu Âu tại Pháp gần đây, mới nhất là bầu cử Tổng thống Pháp tháng 4/2022, các cuộc thăm dò dư luận đều đưa ra các kết quả rất sát với thực tế. Vì thế, có lí do để tin tưởng vào các con số do các cuộc thăm dò dư luận đưa ra. Trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất, do Ipsos Sopra-Steria thực hiện hôm 10/06, cả liên minh “Chung sức” của Tổng thống Emmanuel Macron lẫn liên minh Nupes của ông Jean-Luc Mélenchon đều được dự báo sẽ giành khoảng 27-28% tổng số phiếu của cử tri Pháp.

Liên minh theo đường lối trung hữu của Tổng thống Macron nhỉnh hơn 1 chút nhưng cách biệt không đáng kể so với liên minh của các đảng cánh tả. Đứng thứ 3 là đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen, được dự đoán sẽ giành khoảng 19% số phiếu. Một đảng cực hữu khác là đảng “Tái chinh phục” của ông Eric Zemmour dự kiến sẽ giành khoảng 5,5% nên nếu tính tổng thể thì phe cực hữu sẽ giành được khoảng 24,5% số phiếu, cách biệt không quá lớn so với phe trung hữu của ông Macron và phe cánh tả.

Trên thực tế, các kết quả thăm dò trên phản ánh đúng cục diện chính trường Pháp sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, đó là thế chia ba giữa 3 lực lượng chính, gồm lực lượng trung hữu ủng hộ ông Emmanuel Macron, lực lượng cánh tả dưới sự tập hợp của ông Jean-Luc Mélenchon, người có số phiếu cao thứ 3 trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, và lực lượng cực hữu với thủ lĩnh là bà Marine Le Pen.

Thế chia ba này đã hình thành từ vài năm qua và được củng cố sau cuộc bầu cử Tổng thống sau khi 2 ƯCV của 2 đảng truyền thống lớn nhất tại Pháp là bà Valérie Pécresse của đảng cánh hữu “Những người Cộng hoà” (LR) và bà Anne Hidalgo của đảng “Xã hội” đều giành những kết quả hết sức kém cỏi. Do đó, mặc dù các cử tri Pháp có thể có một số cân nhắc khác trong cuộc bầu cử Quốc hội vì sẽ bỏ phiếu cho các ƯCV khác, liên đảng khác nhưng về cơ bản, tương quan lực lượng giữa các nhóm chính trị tại Pháp hiện nay là khó rõ ràng và khó có đột biến, được thể hiện chi tiết trong các thăm dò dư luận.

Chính trường Pháp chia thành 3 cực

Mấu chốt của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp lần này là ở việc liệu liên minh Nupes bên cánh tả có tạo được sự đột phá, giành chiến thắng để qua đó bắt buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chấp nhận một sự chung sống chính trị hay không? Nói cách khác, hai nhân vật chính trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp lần này là liên đảng của ông Macron và liên minh cánh tả.

Nhóm đảng cực hữu yếu thế hơn hẳn, không chỉ bởi bà Marine Le Pen vẫn thất bại trước ông Macron trong bầu cử Tổng thống mà còn vì giữa hai đảng cựu hữu là đảng “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen và đảng “Tái chinh phục” của ông Eric Zemmour vẫn đang tồn tại nhiều bất đồng. Hai bên không thể liên minh cùng nhau để tranh cử, giống như cách các đảng cánh tả tạo nên liên minh Nupes hay các đảng trung hữu tập hợp trong liên minh “Chung sức” ủng hộ ông Macron. Do đó, thách thức đối với phe cực hữu Pháp là vẫn duy trì được động lực từ cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cho đến nay. Nhiệm vụ này không đơn giản.

Ông Eric Zemmour và đảng “Tái chinh phục” hiện đang chìm rất nhanh và rất mờ nhạt trên truyền thông Pháp từ nhiều tháng qua. Ngay chính bà Marine Le Pen cũng chìm lắng hơn rất nhiều so với thời điểm bầu cử Tổng thống nên mặc dù vẫn sẽ là một trong 3 cực mới của nền chính trị Pháp nhưng phe cực hữu sẽ yếu hơn đáng kể phe trung hữu của ông Macron và phe cánh tả của ông Jean-Luc Mélenchon. 

Tác động lớn nhất của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp lần này, vì thế, sẽ không phải là mối lo của phe cực hữu, mà là ở xu hướng phân chia dứt điểm chính trường Pháp thành 3 cực và ở khả năng phe cánh tả tạo được đột phá. Trong trường hợp phe cánh tả thắng, dù khả năng này không quá cao, Tổng thống Pháp Macron có lẽ sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ từ đảng cánh hữu “Những người Cộng hoà” để tiếp tục duy trì đa số.

Vai trò tác động của phe cực hữu trong vấn đề này không cao vì hầu hết các đảng phái khác đều từ chối hợp tác với phe cực hữu. Dòng chảy chủ đạo của chính trường Pháp trong thời gian tới sẽ vẫn là sự phân cực và trong trường hợp tệ nhất, sự phân cực này có thể sẽ khiến nhiệm kỳ mới của ông Macron bị tê liệt bởi không có đủ đa số tại Quốc hội để thông qua các cải cách quan trọng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bầu cử Quốc hội Pháp: Thách thức tiếp theo với Tổng thống Macron
Bầu cử Quốc hội Pháp: Thách thức tiếp theo với Tổng thống Macron

VOV.VN - Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ chính thức diễn ra vào ngày mai 12/6 trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội Pháp ngày càng khó khăn do lạm phát tăng cao, chi phí cuộc sống đắt đỏ. 

Bầu cử Quốc hội Pháp: Thách thức tiếp theo với Tổng thống Macron

Bầu cử Quốc hội Pháp: Thách thức tiếp theo với Tổng thống Macron

VOV.VN - Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ chính thức diễn ra vào ngày mai 12/6 trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội Pháp ngày càng khó khăn do lạm phát tăng cao, chi phí cuộc sống đắt đỏ. 

Biểu tình bạo động tại Paris sau khi bà Le Pen bị ông Macron đánh bại trong bầu cử Pháp
Biểu tình bạo động tại Paris sau khi bà Le Pen bị ông Macron đánh bại trong bầu cử Pháp

VOV.VN - Những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Paris sau khi ông Emmanuel Macron đánh bại bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022.

Biểu tình bạo động tại Paris sau khi bà Le Pen bị ông Macron đánh bại trong bầu cử Pháp

Biểu tình bạo động tại Paris sau khi bà Le Pen bị ông Macron đánh bại trong bầu cử Pháp

VOV.VN - Những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Paris sau khi ông Emmanuel Macron đánh bại bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022.

Bầu cử Quốc hội Pháp: Liên minh của Tổng thống Macron tạm thời chiếm ưu thế ở hải ngoại
Bầu cử Quốc hội Pháp: Liên minh của Tổng thống Macron tạm thời chiếm ưu thế ở hải ngoại

VOV.VN - Các ứng cử viên thuộc liên minh “Chung sức” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tạm thời dẫn đầu tại vòng 1 của 8/11 khu vực bầu cử dành cho người Pháp đang sinh sống tại hải ngoại. 

Bầu cử Quốc hội Pháp: Liên minh của Tổng thống Macron tạm thời chiếm ưu thế ở hải ngoại

Bầu cử Quốc hội Pháp: Liên minh của Tổng thống Macron tạm thời chiếm ưu thế ở hải ngoại

VOV.VN - Các ứng cử viên thuộc liên minh “Chung sức” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tạm thời dẫn đầu tại vòng 1 của 8/11 khu vực bầu cử dành cho người Pháp đang sinh sống tại hải ngoại.