Bầu cử Tây Ban Nha “bất phân thắng bại”
VOV.VN - Với việc không đảng nào giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội, Tây Ban Nha đang có nguy cơ rơi vào bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử bất phân thắng bại ngày 23/7.
Các chính phủ trên khắp châu Âu đang theo dõi sát diễn biến bầu cử tại Tây Ban Nha. Sau Thuỵ Điển, Phần Lan và Italy, sự trỗi dậy của các đảng cực hữu tại nước này được dự báo sẽ có tác động đến các chính sách của Liên minh châu Âu trong tương lai.
Kết quả kiểm 99,5% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử sớm ngày 23/7 cho thấy, đảng Nhân dân trung hữu giành được 136 ghế, vượt lên trên đảng Xã hội cầm quyền của Thủ tướng Pedro Sanchez với 122 ghế.
Trong khi đó với 33 ghế, đảng Vox cực hữu vẫn là thế lực lớn thế 3 trong Quốc hội bất chấp việc giành được ít hơn 19 ghế so với năm 2019. Kết quả này đồng nghĩa với việc, cả các đảng cánh hữu và cánh tả đều không giành được đa số cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ và phải tìm kiếm liên minh.
Phát biểu sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, lãnh đạo đảng Nhân dân trung hữu Alberto Nunez Feijoo tuyên bố đảng của ông đã giành chiến thắng và sẵn sàng đối thoại để nỗ lực điều hành đất nước: "Chúng tôi đánh bại Đảng Xã hội về số phiếu bầu và số ghế. Chúng tôi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và xứng đáng được cố gắng thành lập một chính phủ như điều vẫn luôn diễn ra trong nền dân chủ Tây Ban Nha”.
Trong khi đó, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết “Liên minh cổ hủ, muốn hủy bỏ hoàn toàn tất cả những tiến bộ mà chúng ta đạt được trong 4 năm qua, đã thất bại. Có rất nhiều người trong chúng ta muốn Tây Ban Nha tiếp tục tiến lên hơn là theo đuổi con đường thụt lùi và Tây Ban Nha sẽ tiếp tục tiến lên”.
Trên thực tế, dù về nhì, song khối có khả năng ủng hộ ông Sanchez đứng ra thành lập chính phủ đạt được tổng cộng 172 ghế, nhiều hơn so với khối cực hữu ủng hộ đảng Nhân dân trung hữu của ông Nunez Feijoo với 170 ghế.
Quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm là một “canh bạc lớn” đối với Thủ tướng Pedro Sanchez và chính phủ liên minh đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha. Cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 5 vừa qua đã chứng kiến thất bại của đảng cầm quyền trước các đảng bảo thủ và cực hữu. Bằng cách kêu gọi bầu cử sớm, Thủ tướng Pedro Sanchez muốn đánh vào tâm lý lo ngại của cử tri về một liên minh cầm quyền cực hữu ở Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, cơ hội thành công ở Tây Ban Nha dường như ít chắc chắn hơn khi cuộc bầu cử ngày hôm qua đã phơi bày sự phân cực chính trị sâu sắc tại Tây Ban Nha. Trong kịch bản một chính phủ liên minh giữa đảng Nhân dân bảo thủ và đảng Vox cực hữu được thành lập, điều này cũng đồng nghĩa với việc Liên minh châu Âu phải chứng kiến thêm một thành viên nữa chuyển sang cánh hữu, một xu hướng đã diễn ra ở Thuỵ Điển, Phần Lan và Italy.
Quốc hội mới của Tây Ban Nha sẽ họp trong một tháng nữa. Sau đó, Nhà vua Felipe VI chỉ định một trong những nhà lãnh đạo của đảng để thành lập chính phủ mới. Các nhà lập pháp có thời hạn tối đa là ba tháng để đạt được thỏa thuận. Nếu không, các cuộc bầu cử mới sẽ được kích hoạt và cử tri Tây Ba Nha có thể sẽ phải đi bỏ phiếu lại vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Và trong thời gian đó, không có luật mới nào có thể được thông qua trừ trường hợp khẩn cấp.