Bế mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông
VOV.VN -Hội nghị đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, góp phần tăng cường hợp tác về mặt kinh tế, xã hội giữa các quốc gia trong khu vực.
Hội nghị đã thống nhất và đưa ra được tuyên bố chung như chiến lược hợp tác kinh tế, đẩy mạnh hợp tác về giao thông, thương mại xuyên biên giới. Khung chiến lược tiểu vùng sông Mê Kông đã và đang được thực hiện hóa thông qua kế hoạch hành động chung, dưới hình thức khung đầu tư khu vực.
Khung đầu tư khu vực tiểu vùng sông Mê Kông được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Phát triển châu Á nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho mỗi quốc gia và hướng tới xây dựng cộng đồng của các quốc gia trong khu vực. Khung đầu tư đã phản ánh được ưu tiên của mỗi quốc gia trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đối khí hậu.
Hội nghị đã đưa ra được kế hoạch hành động 2013-2017 bao gồm các lĩnh vực được ưu tiên như: Ngăn ngừa và kiểm soát các loại dịch bệnh (đặc biệt là căn bệnh HIV/AIDS), mở rộng hợp tác về các lĩnh vực khác như du lịch, thương mại...
Ông Stephen Groft - Phó Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á, cho biết: “Hội nghị lần này xem xét đánh giá lại quá trình hợp tác của 6 quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông với các đối tác phát triển. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực”.
Tham dự hội nghị lần này, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, dẫn đầu. Đánh giá về hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng: “Hội nghị đã thông qua khung đầu tư tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Đây là văn kiện đã được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng Phát triển châu Á và 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Ngay tại hội nghị lần này còn có một số nước ngoài khu vực ở châu Âu như: Pháp, Phần Lan, Thụy Điển. Không chỉ huy động từ các đối tác này, Hội nghị còn đặc biệt quan tâm huy động nguồn vốn ở khu vực tư nhân thông qua hình thức hiện nay là hình thức đối tác công tư PPP”.
Việc khung đầu tư được thông qua đánh dấu bước chuyển quan trọng trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông giai đoạn 2012-2022. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với các nước trong việc huy động nguồn vốn, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả hợp tác của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong tương lai./.