Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng vụ binh sỹ vượt biên sang Triều Tiên
VOV.VN - Các quan chức Mỹ cho biết một quân nhân Mỹ được cho là đang bị giam giữ ở Triều Tiên sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật của quân đội Mỹ khi cố ý vượt biên vào quốc gia này. Vụ việc đã tạo ra một thách thức mới cho Washington trong việc ứng phó các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Quân đội Mỹ cho biết, binh sỹ trên được xác định là Pvt. Travis King – người đã tham gia chuyến tham quan đến Khu vực an ninh chung, một phần của khu phi quân sự liên Triều dài 257 km, rộng 4 km ngăn cách hai miền Triều Tiên. Theo quân đội Mỹ, binh sỹ này đã “cố tình băng qua đường phân định để vào Triều Tiên, dù không được phép”.
Trong khi truyền thông Hàn Quốc đưa tin, khi đi cùng một nhóm du khách, trong đó có cả dân thường đến làng đình chiến Bàn Môn Điếm, binh sỹ này bất ngờ lao qua đường phân định.
Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết Travis King sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật của quân đội Mỹ. Vẫn chưa xác định được nguyên nhân tại sao binh sỹ này lại chạy sang phía Triều Tiên. Theo nguồn tin trên, Travis King vừa kết thúc thời hạn bị giam giữ tại Hàn Quốc do vi phạm quy tắc và đang chuẩn bị trở về đơn vị tại Mỹ.
Vẫn chưa rõ Triều Tiên sẽ giam giữ binh sỹ này trong bao lâu, nhưng các nhà phân tích cho rằng vụ việc tạo ra một vấn đề ngoại giao quan trọng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: “Có rất nhiều điều chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu. Chúng tôi cho rằng binh sỹ đó đang bị (Triều Tiên) giam giữ và vì vậy chúng tôi sẽ theo dõi và điều tra chặt chẽ tình hình, đồng thời thông báo cho người thân của anh ta”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết các quan chức Mỹ tại Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Liên Hợp Quốc đều đang làm việc để "xác định thêm thông tin và giải quyết tình trạng này".
Việc lính Mỹ vượt biên giới Triều Tiên và bị giam giữ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa hướng ra các nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản.