Brazil: Khủng hoảng chính trị tiếp tục căng thẳng
VOV.VN - Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Brazil đang xuống thấp, hiện 68% người dân Brazil ủng hộ đưa bà Rousseff ra xét xử tại Quốc hội nhằm bãi nhiệm bà.
Ngày 20/3, Chính phủ Brazil khẳng định sẽ kiện Nghị sĩ Delcidio Amaral vì tội vu khống Tổng thống Dilma Rousseff về việc bà này có liên quan tới vụ tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Đây là diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil trong bối cảnh nền kinh tế nước này suy yếu và ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối Chính phủ.
Thông cáo của Phủ Tổng thống Brazil khẳng định, bà Roussef chưa từng can thiệp vào quá trình điều tra liên quan tới vụ bê bối của Petrobras và những tuyên bố của ông Amaral nhằm mục đích trả thù tất cả những ai không giúp ông này thoát khỏi án tù.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đang xuống rất thấp. (Ảnh: Reuters) |
Tuyên bố của Chính phủ Brazil được đưa ra sau khi báo chí Brazil đưa tin ông Amaral cáo buộc, bà Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva thường xuyên tìm cách ngăn cản cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra vụ Petrobras. Cũng theo ông Amaral, bà Rousseff biết rõ rằng cơ chế tài chính trong chiến dịch tranh cử của bà được vận hành bằng tiền tham ô từ Petrobras có từ thời ông Lula (2003-2010).
Trước đó, bà Rousseff cũng đã gây ra sóng gió với quyết định bổ nhiệm người tiền nhiệm Lula da Silva làm Chánh văn phòng Nội các. Tuy nhiên, quyết định này đã bị Tòa án hủy bỏ. Đồng thời, Quốc hội Brazil còn thành lập hẳn một Ủy ban xem xét phế truất bà Rousseff.
Ngoài ra, quyết định này của bà Rousseff còn gây ra cuộc biểu tình lớn tại nhiều thành phố yêu cầu bà từ chức. Nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Rousseff đã lạm quyền bổ nhiệm cựu Tổng thống Lula da Silva để bảo vệ ông này khỏi sự truy tố trước pháp luật liên quan đến các cáo buộc tham nhũng cũng như tận dụng uy tín cá nhân của ông để gỡ gạc cho bản thân bà và Chính phủ.
Trước đó, ngày 16/3, Thẩm phán Sérgio Moro đã công bố đoạn băng do cảnh sát ghi âm theo yêu cầu của chính ông này cho thấy bà Rousseff đã gửi người mang tới cho ông Lula da Silva văn bản bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Nội các với lời nhắn “sử dụng trong trường hợp cần thiết”.
Trước đó, ông Moro cho biết sẽ ra lệnh tạm giam ông Lula da Silva để phục vụ điều tra do những cáo buộc cựu Tổng thống có liên quan tới vụ Petrobras. Văn bản bổ nhiệm sẽ giúp cựu Tổng thống Lula da Silva không bị ông Moro bắt giam bởi chỉ Tòa án Tối cao liên bang mới có quyền điều tra và ra lệnh bắt giam các Bộ trưởng.
Ngay sau khi đoạn băng ghi âm được công bố, Tổng thống Rousseff đã chỉ trích gay gắt việc thẩm phán Moro cho phép ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà và cựu Tổng thống Lula da Silva, đồng thời tố cáo các cuộc đảo chính thường được bắt đầu với những hành động “bất hợp pháp” tương tự như trên.
Bà nhấn mạnh: “Theo quy định của Hiến pháp, không được phép ghi âm các cuộc điện thoại của Tổng thống Brazil hoặc của bất kỳ quốc gia dân chủ trên thế giới nếu không có sự ủy quyền rõ ràng từ Tòa án tối cao liên bang. Ở nhiều nước trên thế giới, nếu không có sự cho phép chính thức từ Tòa án tối cao liên bang, ai đó yêu cầu ghi âm cuộc điện thoại của Tổng thống họ sẽ bị bắt”.
Hiện nhiều nhà phân tích cho rằng, với những sóng gió vừa qua thì khó khăn phía trước còn tiếp tục bủa vây Tổng thống Rousseff. Theo kết quả điều tra của Hãng tư vấn Data Folha, hiện 68% người dân Brazil ủng hộ việc đưa bà Rousseff ra xét xử tại Quốc hội nhằm bãi nhiệm bà, tăng 8% so với cách đây một tháng và 65% cho rằng, Tổng thống nên từ chức./.