Brexit gây ra khủng hoảng nội bộ và trào lưu ly khai
VOV.VN - Việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn Brexit đã dẫn tới khủng hoảng kinh tế và chính trị trong nước cũng như dẫn tới nguy cơ “tan rã” trong lòng EU.
Ngoài những thiệt hại về kinh tế trước mắt như mất một thị trường 500 triệu dân EU; đồng Bảng mất giá; nhiều ngân hàng và cơ quan tài chính, thương mại lớn trên thế giới sẽ rời Anh về lục địa... Brexit còn đang đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng nội bộ và kích thích trào lưu ly khai ở châu Âu.
Brexit sẽ khiến Anh và EU "đường ai nấy đi"?
Khủng hoảng nội bộ
Sau thất bại vì không giữ được Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6, Thủ tướng David Cameron tuyên bố sẽ từ chức và sẽ trao quyền cho một người cùng Đảng Bảo thủ của ông.
Thủ tướng mới sẽ có nhiệm vụ đàm phán với EU về việc ra khỏi EU theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, theo đó Anh sẽ có 2 năm để thương lượng trước khi hoàn toàn ra khỏi EU.
Người kế nhiệm ông được cho là ông Boris Johnson, nguyên là Thị trưởng London, cũng thuộc Đảng Bảo thủ của ông Cameron, nhưng lại là người dẫn đầu chiến dịch ủng hộ Brexit.
Tuy nhiên, ngày 30/6, ông Boris Johnson đã bất ngờ tuyên bố rằng ông sẽ tiếp tục ủng hộ lãnh đạo Đảng Bảo thủ kế tiếp làm Thủ tướng, nhưng người đó không phải là ông.
Quyết định của ông Johnson đồng nghĩa với việc chỉ có 5 nghị sĩ Đảng Bảo thủ bao gồm: Bộ trưởng phụ trách Hưu trí Stephen Crabb, Cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Liam Fox, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May tiếp tục cuộc đua kế nhiệm Thủ tướng David Cameron.
Ngày 1/7, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove đã nhanh chóng đưa ra lộ trình sắp tới cho đảng Bảo thủ và nước Anh trên con đường rời bỏ EU và một loạt các nghị sĩ trong đảng trước đây đi theo lá cờ của Boris Johnson nay đều ngả sang ủng hộ cho ông.
Hình ảnh người dân Anh rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối Brexit
Tuy nhiên, con số nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ ủng hộ nhiều nhất cho lãnh đạo tương lai lại dành cho Bộ trưởng Nội vụ, bà Theresa May, dù rằng bà là người bỏ phiếu cho "con đường Bremain", tức là muốn ở lại với EU.
Các chuyên gia nhận định rằng nữ chính trị gia Theresa May sẽ là Thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Bà May từng tuyên bố rằng nếu bà làm Thủ tướng, bà sẽ tìm cách đàm phán rút khỏi EU sao cho nước Anh được lợi nhất.
Bộ Nội Vụ nắm hệ thống cảnh sát và cơ quan an ninh nội địa, cho nên có thể coi bà là người hội đủ tài lực để trèo lái nước Anh trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, về khả năng lãnh đạo nhóm, tức là yếu tố để trở thành thủ lĩnh cho đảng Bảo thủ, hay ít nhất là khả năng dẫn dắt các Bộ trưởng trong Chính phủ, nhiều người vẫn chưa cảm thấy độ thuyết phục của bà Theresa May. Do vậy, các ứng viên khác vẫn đang tích cực vận động để lấy phiếu về cho mình trong đại hội đảng dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới.
Cuộc chạy đua vào ghế Thủ tướng Anh cũng bắt đầu nóng lên khi theo dự kiến, vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 5/7 và vòng cuối cùng vào ngày 9/9.
Hiện, xã hội Anh đang đứng trước nguy cơ chia rẽ rất lớn giữa lực lượng ủng hộ và phản đối Brexit. Nhiều người cho cuộc trưng cầu vừa qua là chưa thỏa đáng nếu xét về tỷ lệ đi bỏ phiếu chỉ khoảng 60% và đòi tổ chức lại. Ngày 2/7, một cuộc biểu tình lớn của những người phản đối Brexit đã nổ ra tại thủ đô Luân Đôn.
Kích thích trào lưu ly khai
Việc Anh rời EU kích thích trào lưu ly khai đã tiềm ẩn từ lâu nay trên đất Anh và trên toàn Châu Âu, ví như việc Bắc Ireland muốn ly khai Anh, hay việc xứ Cataland đòi tách khỏi Tây Ban Nha.
Cụ thể, ngày 28/6, Bộ trưởng thứ nhất Scotland và lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland, bà Nicola Sturgeon, đã phát biểu trước Quốc hội Scotland, cho biết bà đang dự thảo chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cho Scotland và sẽ gặp lãnh đạo EU ngày 29/6 để thảo luận về những phương cách khả thi để Scotland vẫn ở lại EU, sau khi nước Anh rời khỏi EU.
Brexit cũng khơi dậy tinh thần đòi ly khai ở Bắc Ireland. Lãnh tụ phe kêu gọi quyền độc lập cho Bắc Ireland (Sinn Fein), ông Martin McGuiness, đã lập lại yêu cầu của ông đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Bắc Ireland tách khỏi Anh và tái thống nhất với Cộng hoà Ireland - một thành viên EU.
Brexit đã khuyến khích làn sóng hoài nghi Châu Âu (Eurosceptics) tại các nước thành viên khác có xu hướng tổ chức trưng cầu dân ý do các đảng cực hữu khởi xướng như Pháp, Hà Lan và Slovakia.
Hậu Brexit- nguy cơ hiệu ứng domino tại châu Âu?
Tại Pháp, thủ lĩnh đảng Mặt trận Dân tộc, Marine Le Pen, nhiệt liệt hoan nghênh Brexit, coi đó là “chiến thắng của sự tự do” và kêu gọi Pháp noi theo tấm gương Anh.
Tại Hà Lan, thủ lĩnh Đảng Tự do Hà Lan, Geert Wilders, cho rằng nước này xứng đáng có cuộc bỏ phiếu “Nexit” (Hà Lan rời EU). Bước đi này hoàn toàn có thể xảy ra bởi ông Wilders đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò về khả năng trở thành Thủ tướng tiếp theo của Hà Lan.
Còn tại Italy, một cuộc thăm dò mới đây cho thấy có đến 48% người nói sẽ bỏ phiếu rời khỏi EU nếu có cơ hội.
Các cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào năm sau ở Pháp và Đức cũng nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi các phong trào chống EU./.