Trung tâm tài chính của EU sẽ ở đâu sau Brexit?
VOV.VN - Các thành phố ở châu Âu đang bước vào cuộc chạy đua để thay thế vị trí trung tâm tài chính EU mà London nắm giữ từ nhiều năm nay.
Bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Bexit, là một quyết định lịch sử đối với cả Anh và Liên minh châu Âu. Một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là thủ đô London – thành phố đóng vai trò là trung tâm tài chính của châu Âu. Giới phân tích giờ đây lại đặt ra câu hỏi, thành phố nào sẽ thay thế London trở thành trung tâm tài chính của châu lục?
Việc anh rời EU sẽ gây xáo trộn lớn đối với đời sống chính trị châu Âu. (Ảnh: IB Times)
Nếu mất đi vị thế là trung tâm tài chính châu Âu, các ngân hàng nước ngoài với quy mô hoạt động lớn ở thủ đô London sẽ rời sang những nơi mà họ có sẵn cơ sở. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến mảng dịch vụ tài chính ở châu Âu bị phân tán và kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Điều đó đã khiến các thành phố ở châu Âu dường như đang bước vào cuộc chạy đua để có thể thay thế vị trí mà London nắm giữ từ nhiều năm nay.
Trong danh sách này, phải kể đến thành phố Frankfurt hay Berlin của Đức, thành phố Luxembourg City của Luxembourg, Paris của Pháp, Dublin của Ireland, Edinburgh của Scotland hay Amsterdam của Hà Lan.
Đứng đầu trong danh sách ứng cử viên trở thành trung tâm tài chính của châu Âu phải kể đến Frankfurt. Thành phố này còn có kế hoạch sáp nhập với thị trường giao dịch chứng khoán của thành phố London.
Nhà phân tích tài chính Robert Halver cho biết: “Tất cả các ngân hàng tại Anh sẽ không được phép thực hiện các vai trò tài chính mà họ đang được phép làm nếu Anh rời EU. Họ sẽ phải tới các thị trường tài chính khác trong khu vực, có thể là Frankfurt, Paris, hay Dublin… Và tôi đoán là họ sẽ chọn Frankfurt, vì thành phố này nằm ở trung tâm châu Âu và tất nhiên là Ngân hàng trung ương châu Âu cũng đặt trụ sở tại đây”.
Các thành phố khác cũng đều mong muốn sẽ trở thành trung tâm tài chính của châu Âu thay cho London. Ngay từ trước cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, giới tài chính Paris đã tổ chức một hội nghị, hứa sẽ trải thảm đỏ cho các ngân hàng đang đặt trụ sở ở London trong trường hợp Brexit.
Trong khi đó, Phó Thị trưởng thành phố Amsterdam của Hà Lan, ông Kajsa Ollongren mới đây cho biết, nhiều công ty muốn chuyển đến thủ đô Hà Lan để cung cấp các dịch vụ cho khu vực châu Âu, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp châu Á đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính và tọa lạc tại London đang quay sang thành phố này những tuần gần đây.
Berlin, thủ đô của Đức cũng được kỳ vọng trở thành Trung tâm tài chính của châu Âu. Nơi đây được coi là “cục nam châm” thu hút các tài năng công nghệ trẻ.
Còn thành phố Dublin của Ireland là trung tâm công nghệ lớn của châu Âu. Những hãng công nghệ lớn như Google, Facebook và Twitter đều có trụ sở tại đây. Hiện hơn 50% các công ty dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới đều đã thiết lập chi nhánh tại Dublin.
Trong khi đó, thiên đường thuế Luxembourg City, thủ đô của Luxembourg lại là ngôi nhà của 143 ngân hàng với tổng giá trị lên đến 800 tỷ euro. Các ngân hàng bị thu hút bởi cộng đồng quốc tế tại quốc gia này, nhiều chi nhánh châu Âu của các tập đoàn đa quốc gia như Paypal, Skype cũng mặt tại đây./.