BRICS kết nạp thêm 6 quốc gia mới như "hổ mọc thêm cánh"
VOV.VN - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã bế mạc hôm 24/8, với quyết định chính thức mời thêm 6 quốc gia gia nhập khối. Lãnh đạo BRICS cũng như các quốc gia được mời đều đánh giá cao quyết định có ý nghĩa lịch sử của BRICS.
Nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã quyết định mời 6 quốc gia gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập khối này - Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết trong thông báo đưa ra hôm qua (24/8).
BRICS được thành lập năm 2009 với 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp thêm Nam Phi một năm sau đó. BRICS có tổng số dân chiếm 40% dân số thế giới và có tổng GDP chiếm 25% GDP toàn cầu. Nếu mở rộng thêm, số thành viên của nhóm BRICS sẽ nâng lên thành 11, trong đó có 3 cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Iran. Việc mở rộng thêm thành viên của BRICS được đánh giá là như hổ mọc thêm cánh, giúp nâng tầm vị thế và tầm ảnh hưởng của khối này trên trường quốc tế. Vì vậy, quyết định này đã ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ dư luận.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã ngay lập tức đánh giá cao việc quốc gia Bắc Phi này được mời gia nhập Nhóm BRICS và mong muốn phối hợp với tổ chức này để đạt được các mục tiêu trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cũng hoan nghênh việc nước này sẽ nằm trong số 6 quốc gia thành viên mới của Nhóm BRICS.
Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed cho biết ông đánh giá cao việc nước này được mời gia nhập nhóm BRICS và nhận định đây là một tổ chức quan trọng. Trong khi đó, Tổng thống Argentina Alberto Fernández khẳng định việc Nhóm các nền kinh tế mới nổi kết nạp thêm thành viên sẽ giúp tạo ra động lực mới cho tiếng nói của khu vực Nam bán cầu trong bối cảnh quốc tế bất ổn hiện nay.
"Một kịch bản mới đang mở ra cho Argentina. Chúng tôi sẽ trở thành nhân vật chính của vận mệnh chung trong một khối đại diện cho hơn 40% dân số thế giới, đồng thời chúng tôi tiếp tục tăng cường mối quan hệ hiệu quả, tự chủ và đa dạng với các quốc gia khác trên thế giới. Argentina đã, đang và sẽ là một quốc gia theo chủ nghĩa hội nhập. Chính sách của nhà nước là tìm kiếm sự hội nhập với các tổ chức khu vực và toàn cầu khác nhau bởi vì người ta đã chứng minh rằng bằng cách này, chúng tôi sẽ tăng cơ hội mở cửa các thị trường mới.
Trước đó, trong tuyên bố chung tại hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên của nhóm BRICS cũng đánh giá cao việc tiếp nhận thêm 6 nước thành viên mới vào nhóm này có ý nghĩa lịch sử. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh: việc có thêm các thành viên mới sẽ giúp BRICS trở nên lớn mạnh và hoạt động hiệu quả hơn. Trên tinh thần đó, Ấn Độ hoan nghênh Ai Cập, Argentina, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập gia đình BRICS.
“Chúng tôi luôn duy trì quan điểm rằng, các thành viên mới sẽ tăng cường vị thế của BRICS và hỗ trợ nỗ lực chung của khối. Việc mở rộng thêm thành viên sẽ tăng thêm sự tín nhiệm của thế giới đối với tổ chức trong một trật tự thế giới đa cực như hiện nay”.
Theo kế hoạch, 6 nước được gửi lời mời tham gia nêu trên sẽ được tiếp nhận làm thành viên BRICS từ ngày 1/1 năm tới. Ngoài 6 nước được mời, hiện có hơn 40 quốc gia ở Nam Bán cầu muốn gia nhập tổ chức này và 22 quốc gia đã chính thức yêu cầu được kết nạp.