Bước lùi trong đàm phán hạt nhân Iran?
VOV.VN - Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gần được phục hồi thì Iran tuyên bố làm giàu kim loại urani lên 20%. Động thái này được cho là bước lùi trong đàm phán hạt nhân, khiến cho mọi nỗ lực của quốc tế và các bên liên quan có nguy cơ trở về vạch xuất phát.
Iran thông báo làm giàu kim loại urani lên mức 20%
Ngày 6/7, Iran đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc bắt đầu kế hoạch làm giàu kim loại urani lên 20%. Động thái này đã khiến Mỹ và các nước châu Âu cảm thấy thất vọng và cho rằng việc này sẽ gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán đang diễn ra tại Vienna (Áo).
Theo tuyên bố của Iran, mục đích của hoạt động lần này là nhằm chuyển sang một mức độ làm giàu mới cao hơn tại cơ sở hạt nhân Isfahan, qua đó, để sản xuất nhiên liệu cung cấp cho một lò phản ứng nghiên cứu.
Tuy nhiên, có thể thấy, kế hoạch làm giàu kim loại urani lần này chỉ là một trong số những động thái của Iran giảm bớt tuân thủ theo Thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trước đó, Iran đã tiếp tục lắp đặt và vận hành các máy ly tâm với số lượng và chủng loại vượt quá giới hạn mà thỏa thuận hạt nhân đặt ra, nâng mức độ làm giàu urani lên tới 60% vượt xa mức cam kết 3,67% theo thỏa thuận. Mới đây, khi thỏa thuận gia hạn tạm thời việc giám sát các hoạt động hạt nhân giữa IAEA và Iran hết hạn vào ngày 24/6, nước này tuyên bố sẽ không cung cấp thêm dữ liệu cho IAEA và cũng chưa quyết định gia hạn thỏa thuận một lần nữa.
Các động thái của Iran diễn ra trong bối cảnh nước này và các cường quốc đã trải qua 6 vòng đàm phán tại Vienna nhưng chưa thể thống nhất các điều khoản về việc nối lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với nước này. Do vậy, động thái mới của Iran có thể nhằm tạo thêm lợi thế trên bàn đàm phán sắp tới, gia tăng sức ép lên các cường quốc buộc phải có những nhượng bộ, qua đó, Iran sẽ thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt giúp phục hồi kinh tế đất nước. Mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran, với mục đích ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Liệu các cuộc đàm phán tại Vienna, Áo có bị ảnh hưởng?
Có thể thấy, ngay sau tuyên bố của Iran về việc bắt đầu làm giàu kim loại urani thì Mỹ và châu Âu đã có những phản ứng lên án, nhưng không quá quyết liệt. Mỹ và đồng minh châu Âu đã đặt câu hỏi nghi ngờ về ý định thực sự của Tehran bởi cho rằng nước này không có nhu cầu dân sự đáng tin cậy đối với kim loại urani, trong khi đây lại là bước quan trọng để phát triển vũ khí hạt nhân.
Mặc dù Mỹ và phương Tây mô tả quyết định mới của Iran là một “bước lùi đáng tiếc”, song vẫn mở cơ hội để tiếp tục đàm phán. Mỹ tuyên bố thể hiện thiện chí sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và cho rằng cánh cửa ngoại giao vẫn rộng mở để hai bên nối lại cam kết. Anh, Pháp, Đức kêu gọi Iran chấm dứt mọi hoạt động vi phạm thỏa thuận hạt nhân ngay lập tức và quay trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, Iran cũng tuyên bố rằng tất cả các bên tham gia đàm phán hạt nhân tại Vienna đều công nhận những tiến bộ trong các cuộc đàm phán và nước này muốn kết thúc đàm phán càng sớm càng tốt và được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Do vậy, có thể các bên sẽ sớm nối lại đàm phán hạt nhân trong thời gian tới, nhưng việc đi đến thỏa thuận cuối cùng sẽ phụ thuộc cách tiếp cận và khả năng nhượng bộ của các bên, cũng như khó đạt được đồng thuận trong thời gian ngắn. Giữa các bên vẫn còn một số bất đồng về những vấn đề trọng tâm, như các bước nới lỏng trừng phạt mà Mỹ có thể thực hiện, cũng như các bước Iran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận và các hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận. Bước đi mới của Iran chỉ khiến cho quá trình đàm phán thêm kéo dài.
Cách tiếp cận của chính quyền mới trong vấn đề hạt nhân
Động thái mới của Iran cho thấy, nước này sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận trước đây trong vấn đề hạt nhân. Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran đã tuyên bố, lập trường của Iran về vấn đề thỏa thuận hạt nhân và việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ không thay đổi khi chuyển giao sang chính quyền mới.
Việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với Iran bởi sẽ giúp nước này thoát khỏi các lệnh trừng phạt do Mỹ tái áp đặt từ năm 2018, khiến Iran rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng sau đó. Do vậy, mặc dù Iran tuyên bố không vội vàng đưa ra thời hạn chót cho việc đạt được một thỏa thuận, song nước này cũng sẽ không cho phép đàm phán bị ảnh hưởng và xói mòn. Iran khẳng định, chính phủ mới dưới thời Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi sẽ tuân thủ một thỏa thuận có thể đạt được ở thủ đô Vienna của Áo về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân, dựa trên chính sách nhất quán tôn trọng các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Iran.
Do vậy, quan điểm tiếp cận đàm phán của Iran sẽ tiếp tục nhấn mạnh vào yêu cầu cần thiết phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt “bất công” mà nước này đang gánh chịu. Iran dường như đã sẵn sàng tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân và cho rằng việc hoàn thành đàm phán ở Vienna phụ thuộc vào ý chí chính trị và quyết tâm của các bên còn lại, đặc biệt là Mỹ. Ngoài ra, Iran cũng yêu cầu các bên đàm phán tại Vienna phải đảm bảo không được để lặp lại kịch bản như việc Tổng thống D.Trump rời bỏ thỏa thuận vào năm 2018./.