Các cường quốc lúng túng trong xử lý vấn đề Syria
VOV.vn - Riêng nước Anh không dám viện trợ vũ khí cho đối lập Syria do lo sợ vũ khí rơi vào tay các phần tử cực đoan.
Theo một số nguồn tin của chính phủ Anh , nước này có thể từ bỏ kế hoạch vũ trang cho lực lượng đối lập Syria để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, Pháp hiện vẫn đang“lưỡng lự” trong việc chuyển vũ khí cho các nhóm đối lập Syria. Việc hai nước tiên phong cho các hoạt động kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Syria vẫn đang phân vân cho thấy sự lúng túng của các nước trong việc tìm ra một “viên đạn bạc” thực sự cho cuộc khủng hoảng Syria.
Lí do của việc Anh quyết định không vũ trang cho lực lượng đối lập Syria đó là hầu hết công luận Anh đều phản đối quyết định này với lo ngại số vũ khí mà Anh cũng cấp có thể rơi vào tay các nhóm vũ trang Hồi giáo.
Phiến quân Syria (ảnh: rte) |
Thực tế chính trị cho thấy, bất cứ quyết định nào của Anh vũ trang cho lực lượng đối lập đều cần được quốc hội thông qua. Tuy nhiên, phần lớn các nghị sĩ đều phản đối chuyển vũ khí cho lực lượng đối lập. Bất cứ hành động vũ trang cho lực lượng đối lập cũng sẽ làm bạo lực gia tăng và chính phủ cũng chưa có hành động thỏa đáng để giải thích làm thế nào ngăn chặn vũ khí rơi vào tay các phần tử cực đoan.Vì vậy, chính phủ Anh có thể sẽ không nhận được đủ số phiếu cần thiết nếu tổ chức bỏ phiếu.
Ngoại trưởng Anh William Hague mới đây cho rằng, không ai trong chúng ta có thể tiên đoán chính xác cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra như thế nào. Anh vẫn chưa đưa ra quyết định nhưng sẽ không bác bỏ bất cứ khả năng nào. Theo giới quan sát, Anh hiện vẫn chưa sẵn sàng công khai khả năng từ bỏ vũ trang cho lực lượng đối lập vì không muốn tăng lợi thế cho ông Assad khi ngồi vào bàn đàm phán.
Trong khi các đồng minh tại Vùng Vịnh như Saudi Arabia có thể sẵn sàng vũ trang cho lực lượng đối lập, Pháp lại hoàn toàn im lặng về quyết định này và theo một số nguồn tin họ cũng đang lưỡng lự chuyển vũ khí cho lực lượng đối lập. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, Pháp vẫn chưa quyết định vũ trang cho lực lượng đối lập, cần phải có những điều kiện tiên quyết trước khi vũ khí được gửi đi.
Ngoại trưởng Pháp cũng bày tỏ lo ngại về việc thế giới đang bị phân cực gây khó khăn cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria: “Không có sự đồng thuận giữa các cường quốc để mang lại một thỏa thuận giúp giải quyết các thách thức mà chúng ta đối mặt. Sự thiếu sự nhất trí giữa các nước khiến chúng ta không thể đạt được thỏa thuận. Điều này được nhìn thấy rõ nhất trong trong thảm kịch tại Syria”.
Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria đối lập Ahmad Jarba vừa được bầu chọn dự kiến đến thăm Pháp trong tuần tới để thảo luận về vấn đề này. Trong khi đó, việc Mỹ vũ trang cho lực lượng đối lập Syria cũng đang bị đình trệ tại quốc hội.
Những nỗ lực của các nước phương Tây nhằm chấm dứt cuộc xung đột đang đi theo hướng khác nhau. Các nước phương Tây hiện cũng chưa xác định được "viên đạn bạc” thực sự cho cuộc khủng hoảng Syria là gì và tất cả lựa chọn bây giờ đều chưa có đích đến. Hiện đánh giá của các nước phương Tây đối với cuộc chiến Syria cũng có nhiều thay đổi.
Các nước này trước đó cho rằng, việc nắm quyền của Tổng thống Assad chỉ được tính bằng ngày nhưng hiện giờ tình thế đã hoàn toàn khác. Sự can dự của Iran và Hezbollah trong thời gian qua cũng làm tăng cán cân quyền lực cho Tổng thống Assad. Lực lượng chính phủ đang đạt được những bước tiến trong thời gian gần đây trong khi các nhóm vũ trang dần bị suy yếu. Áp đặt khu vực cấm bay hiện cũng không được kì vọng vì điều này cần phải hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria trên mặt đất và biện pháp này được coi là khá tốn kém. Trong khi đó, Anh, Mỹ và các nước đồng minh NATO đang phải chịu sức ép cắt giảm ngân sách quốc phòng thì việc giúp lực lượng đối lập Syria cũng chỉ rất giới hạn.
Hội nghị quốc tế hòa bình về Syria do Nga và Mỹ đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột này dường như đang lâm vào bế tắc khi bất đồng vẫn không được thu hẹp và theo nhận định có thể sẽ không xảy ra trong năm nay. Những điều này đang làm lu mờ các triển vọng tìm ra một cái kết tốt đẹp cho cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 3 của quốc gia Trung Đông này./.