Các nước cùng Mỹ gia tăng sức ép nhằm vào Triều Tiên
VOV.VN - Trong khi Mỹ rầm rộ triển khai khí tài quân sự đến bán đảo Triều Tiên, thì có thêm nhiều quốc gia siết chặt thị thực với công dân Triều Tiên.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, Sri Lanka gần đây siết chặt quy định cấp thị thực cho công dân Triều Tiên vào nước này, trong khuôn khổ thực hiện các biện pháp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Theo đó công dân Triều Tiên sẽ không được xin cấp thị thực qua hệ thống cấp thị thực điện tử trực tuyến của Sri Lanka. Ngoài ra, những cá nhân Triều Tiên nằm trong danh sách trừng phạt không được phép nhập cảnh Sri Lanka.
Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này đang tuân thủ nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Trả lời câu hỏi về các số liệu gần đây cho thấy Trung Quốc nhập khoảng 1,6 triệu tấn than đá từ Triều Tiên vào tháng 8 vừa qua, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cho phép một giai đoạn đệm để thực hiện lệnh cấm nhập khẩu than đá và hải sản từ Triều Tiên.
Trung Quốc hành động phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, luật và các qui tắc của Trung Quốc về thương mại quốc tế. Trung Quốc sẽ thực hiện các hoạt động trao đổi thương mại với Triều Tiên phù hợp với luật và các tiêu chuẩn quốc tế”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cam kết tăng cường sức mạnh quốc phòng của nước này trong nỗ lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân, đồng thời tuyên bố Hàn Quốc sẽ đối phó với mọi hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng các “đòn trừng phạt mạnh mẽ”.
Ông Moon Jae-in khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi đã rõ ràng. Chúng ta phải dừng các hành động khiêu khích của Triều Tiên và thuyết phục họ từ bỏ chương trình hạt nhân. Để thực hiện điều này, chính phủ đang nỗ lực hết sức. Liên minh Mỹ-Hàn đang hợp tác với cộng đồng quốc tế ở mức cao nhất trong lịch sử”.
Hàng loạt biện pháp nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên sau khi Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa và tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Mỹ cũng cam kết sẽ triển khai nhiều khí tài quân sự chiến lược gần bán đảo Triều Tiên. Theo phía Hàn Quốc, các khí tài quân sự dự kiến bắt đầu triển khai vào cuối năm nay để tăng cường khả năng quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó tuyên bố, nếu bị đe dọa, Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên. Những tuyên bố cứng rắn cùng với việc liên tiếp đề cập giải pháp quân sự của Tổng thống Mỹ không nhận được sự ủng hộ của nội bộ nước Mỹ cũng như quốc tế.
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian công khai tuyên bố, giải pháp của ông Donald Trump đối với Triều Tiên không phải là lựa chọn tốt nhất: “Biện pháp của Tổng thống Donald Trump có lẽ không phải là tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thức được rằng không nên đánh đồng trách nhiệm.
Nước phá vỡ thỏa thuận hạt nhân quốc tế là Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump buộc phải phản ứng với điều này, nhưng tôi nghĩ có một cách hiệu quả hơn đó là gia tăng sức ép và trừng phạt”.
Trong một cuộc khảo sát mới đây, dư luận Mỹ cũng cho rằng các tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên không hữu ích. Theo một khảo sát do Hãng Fox News tiến hành hôm qua cho thấy, 70% số người được hỏi không ủng hộ những bình luận của ông Donald Trump về Triều Tiên , trong đó có tuyên bố “ hủy diệt hoàn toàn” một quốc gia.
Chỉ có 23% cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Mỹ giúp cải thiện vấn đề. Về giải pháp quân sự mà ông Donald Trump liên tiếp đề cập gần đây, chỉ có 27% số người ủng hộ trong khi 61% mong muốn Mỹ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên./.
Mỹ cảnh báo phương án quân sự với Triều Tiên sẽ “thảm khốc”