Các nước phản ứng dữ dội trước vụ thử bom khinh khí của Triều Tiên
VOV.VN- Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom khinh khí.
AFP dẫn lời Đài Truyền hình Triều Tiên ngày 6/1 cho biết: “Vụ thử nghiệm bom khinh khí (còn gọi là bom Hydro hay bom H) đã được tiến hành thành công vào lúc 10h sáng (giờ địa phương).
Người dân Triều Tiên theo dõi thông tin trên truyền hình nước này về vụ thử nghiệm thành công bom khinh khí ngày 6/1. Ảnh AP |
“Thành công của vụ thử bom H mang tính lịch sử này đã giúp Triều Tiên đứng vào hàng ngũ những nước sở hữu công nghệ hạt nhân tiên tiến”, Đài Truyền hình Triều Tiên nhấn mạnh.
Ngay lập tức, Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định vụ thử bom khinh khí này của Triều Tiên vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hàn Quốc tuyên bố “cực lực lên án” vụ thử nghiệm này và cảnh báo Triều Tiên “phải trả giá” cho việc phớt lờ lo ngại của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi đó là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với Nhật Bản và là “thách thức nghiêm trọng” đối với nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Trong khi đó, Nhà Trắng thận trọng ra tuyên bố vẫn đang xem xét bản chất vụ thử bom khinh khí của phía Triều Tiên và “sẽ có phản ứng thích hợp”.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ chưa thể xác nhận thông tin này của phía Triều Tiên, tuy nhiên ông Price cam kết Mỹ “sẽ có phản ứng thích hợp đối với bất kỳ hành động khiêu khích nào của Mỹ”.
Hồi tháng 12/2015, Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố Bình Nhưỡng đã phát triển được một quả bom H.
Tuy nhiên, tuyên bố trên của ông Kim Jong-un đã vấp phải sự hoài nghi của các chuyên gia quốc tế, những người cũng không tin vào những gì Triều Tiên vừa công bố.
“Các dữ liệu địa chất mà chúng tôi vừa nhận được cho thấy vụ nổ này có sức công phá nhỏ hơn nhiều so với việc cho nổ một quả bom H”, ông Crispin Rovere, chuyên gia về chính sách hạt nhân và kiểm soát vũ khí người Australia, nhận định.
“Có thể Triều Tiên đã thực hiện thành công giai đoạn đầu của vụ thử bom H [tức là cho nổ một quả bom nguyên tử- hay còn gọi là bom A- để kích hoạt phản ứng nhiệt hạch của bom H] nhưng không thể hoàn tất giai đoạn thứ 2 để kích nổ quả bom này”, ông Rovere nói.
Nhà phân tích quốc phòng của Tập đoàn Rand Bruce Bennett cũng bày tỏ hoài nghi của mình: “Quả bom mà Triều Tiên thử nghiệm có thể cùng kích cỡ với quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima nhưng chắc chắn không phải là bom H. Nếu là bom H, tiếng nổ của quả bom đó sẽ lớn hơn gấp 10 lần so với những gì đã diễn ra”.
Nhiều chuyên gia khác khẳng định, Bình Nhưỡng còn xa mới có thể phát triển được bom khinh khí dù họ vẫn chia rẽ về việc liệu nước này có sở hữu công nghệ làm nhỏ đầu đạn để lắp đặt trên các tên lửa đạn đạo hay không.
Dù vụ thử lần này của Triều Tiên có phải là bom H hay không, đây đã là vụ thử hạt nhân thứ 4 của nước này và được coi là sự thách thức trực tiếp của Triều Tiên đối với những nước từng cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải “trả giá đắt” nếu tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của mình.
Trước đó, Liên Hợp Quốc đã 3 lần áp đặt các lệnh trừng phạt Triều Tiên vào các năm 2006, 2009 và 2013 sau các vụ thử hạt nhân của nước này. Việc không thể ngăn chặn Triều Tiên tiến hành vụ thử thứ 4 sẽ khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gánh chịu sức ép khủng khiếp của việc phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, vụ thử bom H lần này cũng là thách thức trực tiếp đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, người trong chuyến công du Hàn Quốc hồi năm 2014 từng cam kết sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề hơn đối với Triều Tiên nếu Triều Tiên tiếp tục các vụ thử hạt nhân của mình.