Các nước Tây Balkan quyết tâm giải quyết vấn đề người di cư
VOV.VN - Các nước Tây Balkan đã buộc phải sử dụng đến các giải pháp của từng quốc gia, thay vì trông chờ vào một “giải pháp toàn châu Âu”.
Tại hội nghị của các nước Tây Balkan về vấn đề di cư tổ chức hôm qua (24/2) tại Vienna (Áo), các nước tham dự gồm Áo, Slovenia, Croatia, Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Serbia, Macedonia, Montenegro đã nhất trí về việc tiếp tục giảm số người di cư và tị nạn tiếp nhận vào khu vực Balkan. Động thái này đã bị Hy Lạp và Liên minh châu Âu gọi là đi ngược lại với quy tắc của châu Âu.
Nhiều nước Balkan tiếp tục phản đối việc phân bổ hạn ngạch người tị nạn. (Ảnh: AFP) |
Kết thúc hội nghị có tên gọi "Cùng nhau quản lý vấn đề nhập cư", các nước đã thống nhất về việc bổ sung lực lượng cảnh sát tới các khu vực biên giới “điểm nóng” và đạt đồng thuận về việc áp đặt các tiêu chí trong việc từ chối hoặc đăng ký tiếp nhận người nhập cư.
Bộ trưởng Nội vụ nước chủ nhà Áo Johanna Mikl-Leitner tuyên bố, các nước Tây Balkan đã buộc phải sử dụng đến các giải pháp của từng quốc gia, thay vì trông chờ vào một “giải pháp toàn châu Âu”.
Bà Mikl-Leitner nói: “Hiện nay Liên minh châu Âu đang phát đi những thông điệp sai lầm. Một mặt họ cho phép Hy Lạp thực hiện chính sách mở cửa. Một mặt họ yêu cầu Áo hạn chế người tị nạn muốn đi sang Đức hoặc giảm hạn ngạch. Đây là những tín hiệu trái ngược nhau. Chúng ta phải chọn một trong hai chiến lược và tôi nghĩ rằng, cuộc họp các nước Balkan nhằm tiến tới một mục tiêu đó là giảm dòng người tị nạn”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của truyền thông Đức, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho biết, Áo đã quá tải trong việc tiếp nhận người di cư khi nhận 90.000 người trong năm ngoái và năm nay dự kiến tiếp nhận 37.500 người. Ông Kurz gián tiếp chỉ trích chính sách mở cửa của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi cho rằng, việc một nước mở cửa biên giới sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng mà chỉ làm nó trở nên nghiêm trọng hơn.
Phản ứng trước thỏa thuận của hội nghị này, một người phát ngôn của Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết, cơ quan này quan ngại về việc một số nước thành viên hành động “vượt ngoài những khuôn khổ chung đã thống nhất”.
Trong khi đó, người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho rằng, động thái này của các nước khu vực Balkan sẽ làm chậm lại luồng di chuyển của người tị nạn và tạo một “nút thắt cổ chai” dòng người di cư và người tị nạn ở Hy Lạp-cửa ngõ chính của những người chạy trốn xung đột tại Trung Đông.
Ông Grandi nói: “Chúng tôi thấy rằng, các nước dọc theo tuyến đường mà người tị nạn và người di cư di chuyển đóng cửa biên giới hoặc hạn chế người tị nạn, đặc biệt là các nước khu vực phía Tây Balkan là đi ngược lại với quy tắc và quy định của châu Âu. Điều này cũng chống lại các tiêu chí bảo vệ người tị nạn”.
Hy Lạp cũng thể hiện thái độ giận dữ, tuyên bố đây là một hội nghị mang tính “thù địch” khi Hy Lạp là nước duy nhất ở khu vực Balkan không được mời tham dự. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tspiras nói rằng, cuộc khủng hoảng người di cư là một vấn đề toàn cầu và rằng, họ sẽ không chấp nhận những hành động đơn phương của các nước khu vực Balkan trong khi Athens cũng đang vật lộn để xử lý dòng người tị nạn bị mắc kẹt tại nước này.
Ông Tsipras nói: “Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề này, chúng ta phải hợp tác, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ gánh nặng. Hy Lạp là một phần của giải pháp về người tị nạn. Chúng tôi sẽ cung cấp trợ cấp hàng ngày cho những người tị nạn bởi vì đây là ưu tiên chính của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ hành động đơn phương nào”.
Hiện nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu đang bất đồng vì vấn đề người di cư và người tị nạn. “Bế tắc” tiếp tục đeo đẳng cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Một số nước chặn người di cư trong khi số khác lại muốn có sự đoàn kết trong việc xây dựng cơ sở hạn ngạch tiếp nhận người di cư.
Thách thức đặt ra hiện nay là làm thế nào để Liên minh châu Âu tìm được tiếng nói chung. Không một tổ chức hay quốc gia nào có thể tự xử lý được khủng hoảng di cư này nếu thiếu sự nhất trí thực hiện các luật chung của châu Âu về việc tiếp nhận và tạo công ăn việc làm cho người tị nạn. Tìm được lời giải cho bài toán khó này cũng là lúc châu Âu tìm ra được các giá trị thực sự của mình và chứng minh được tính thống nhất của toàn khối./.