Các nước tìm cách cản Triều Tiên thử hạt nhân
(VOV) - Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang “nóng lên từng ngày” liên quan kế hoạch thử hạt nhân của Triều Tiên.
Hàn Quốc, nước hiện giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 2 này, đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm ngăn chặn Triều Tiên thử hạt nhân.
Cùng với đó, hiện Hàn Quốc và Mỹ cũng đang tiến hành một cuộc tập trận chung ở bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên nhằm răn đe Triều Tiên.
Trả lời báo chí ngày 4/2 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc Kim Sook nhận định về kế hoạch thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên "chuẩn bị diễn ra".
“Rõ ràng là có nhiều hoạt động bận rộn ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri và nhiều nước đang quan sát,” Đại sứ Kim Sook nói. “Chúng ta sẽ triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an khi Triều Tiên thực sự tuyên bố thử hạt nhân. Tôi đã có các cuộc tham vấn với các nước thành viên Hội đồng Bảo an và tất cả các nước đều nhất trí hợp tác. Tôi tin rằng, Hội đồng Bảo an sẽ có các biện pháp mạnh mẽ nếu họ có các hành động khiêu khích bất chấp sự phản đối của Hội đồng Bảo an”.
Bãi thử Punggyeri (ảnh: internet) |
Ông Kim Sook cho rằng, hành động thử nghiệm hạt nhân là nhằm làm giảm uy tín và quyền hạn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trước đó, giới chức Hàn Quốc liên tục đưa ra những nhận định cho rằng Triều Tiên đã gần hoàn tất các hoạt động chuẩn bị cho một kế hoạch thử hạt nhân và sẽ tiến hành vụ thử vào bất kỳ thời điểm nào.
Cùng ngày, trưởng phái đoàn hạt nhân Hàn Quốc Lim Sung-nam có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vũ Đại Vĩ tại Bắc Kinh để bàn về căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc họp này, cả hai đều bày tỏ quan ngại về kế hoạch thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời nhất trí rằng việc Triều Tiên thử hạt nhân sẽ gây ra một mối đe dọa lớn đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo này. Ông Lim Sung-nam cũng thúc giục Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch thử hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thì cho biết, phía Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản để “đạt tiếng nói chung liên quan đến vấn đề CHDCND Triều Tiên”.
Bà Nuland nhấn mạnh, Ngoại trưởng John Kerry trong ngày làm việc đầu tiên đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản. Các bên thống nhất thực hiện đầy đủ những biện pháp trừng phạt mới mà Hội đồng bảo Liên Hợp Quốc áp đặt lên Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo Triều Tiên “đối mặt những hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục khiêu khích”.
Triều Tiên chưa có phản ứng nào trước những động thái trên, nhất là đối với cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc đang diễn ra ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên, song nước này liên tục có động thái chuẩn bị về quân sự.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh quân đội trong tình trạng sẵn sàng ứng phó và đáp trả tổng lực “mọi hành vi gây hấn, mọi trừng phạt kinh tế và quân sự của kẻ thù”.
Báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên hôm 4/2 đăng bài xã luận chỉ trích nghị quyết mở rộng trừng phạt của Liên Hợp Quốc về vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng 12/2012. Theo bài báo, những biện pháp trừng phạt sẽ không có tác dụng mà chỉ khiến Triều Tiên quyết tâm hơn trong việc tăng cường khả năng phòng vệ./.