Các nước Visegrad lên án vụ thử bom H của Triều Tiên
VOV.VN - Các nước khối Visegrad bao gồm Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia đã đồng loạt lên án vụ thử bom nhiệt hạch mới của Triều Tiên.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka nói rằng đây không phải là một tin tốt lành và vụ thử một lần nữa chứng tỏ sự gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP
Thủ tướng Sobotka đề nghị có các cuộc đàm phán hiệu quả giữa các bên nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực, trong đó ngoài Mỹ, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng.
Còn Bộ Ngoại giao Séc cho rằng với vụ thử ngày 3/9, Triều Tiên đã vi phạm cam kết của mình đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gây mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Bộ ngoại giao Séc kêu gọi Triều Tiên chấm các hành động gây bất ổn này và ngay lập tức tuân thủ các cam kết quốc tế.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 3/9, Bộ Ngoại giao Ba Lan cực lực lên án vụ thử mới của Triều Tiên, coi đó là một hành động khiêu khích. Ba Lan cho rằng vụ thử hôm Chủ Nhật sẽ làm căng thẳng ngày càng leo thang trong khu vực và có thể dẫn đến những hậu quả không thể đoán trước được. Ba Lan kêu gọi Triều Tiên chấm dứt ngay các hành động khiêu khích này.
Chính phủ Hungary cũng lên án mạnh mẽ nhất vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, coi đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tạo ra mối đe dọa tiềm ẩn đối với an toàn và an ninh toàn cầu hiện nay.
Hungary đề nghị cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế lên Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi nước này dừng ngay tất cả các hành động khiêu khích, từ bỏ chương trình hạt nhân và nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán sáu bên để tạo một khu vực phi hạt nhân, duy trì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ ngoại giao Slovakia cũng ra tuyên bố lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, gây mất ổn định trong khu vực và đe dọa hòa bình quốc tế. Slovakia kêu gọi Bình Nhưỡng có các bước đi để xây dựng lòng tin và có các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế./.