Các quốc gia Đông Nam Âu kêu gọi EU sớm thông qua "Hộ chiếu vaccine"
VOV.VN - Hy Lạp là quốc gia đầu tiên đề xuất ý kiến này. Hy Lạp cho biết đã sẵn sàng chào đón khách dịch vào mùa hè năm 2021 nếu họ đã được tiêm phòng, có kháng thể hoặc âm tính với SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, một số quốc gia khu vực Đông Nam Âu mới đây đã kêu gọi khối này sớm thông qua "hộ chiếu vaccine" để cứu vãn mùa du lịch sắp tới.
Hy Lạp, quốc gia đầu tiên đề xuất ý kiến này cho biết nước này sẵn sàng chào đón khách dịch vào mùa hè năm 2021 nếu chứng minh họ đã được tiêm phòng, có kháng thể hoặc âm tính trước khi thực hiện các chuyến du lịch tại quốc gia này.
Nước này cũng mở rộng chiến lược tiêm chủng cho các đối tượng làm việc trong ngành khách sạn và du lịch để chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa tới đây.
Không chỉ có Hy Lạp, các nước như Hungary, Bỉ, Tây Ban Nha đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng để cứu vãn mùa du lịch sắp tới.
Hơn một năm sau khi lần đầu tiên đóng cửa biên giới đất nước, nhiều người Séc ngày càng cảm thấy thất vọng với những biện pháp hạn chế đi lại của chính phủ. Họ đang trông chờ sự thông qua ý tưởng về hộ chiếu vaccine cho phép đi du lịch dễ dàng hơn trong EU.
Bộ trưởng Ngoại giao Séc Tomáš Petříček hoan nghênh ý tưởng này và bày tỏ hy vọng rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ sớm tìm ra một giải pháp khả thi.
Ông nhấn mạnh nếu EU không đạt được thỏa thuận về “Hộ chiếu vaccine” trong toàn EU thì Cộng hòa Séc có thể đàm phán với các nước láng giềng về một giấy thông hành trong khu vực.
Tuy nhiên, một số các quốc gia vẫn bày tỏ lo ngại về khả năng có sự phân biệt đối xử với một số nhóm đối tượng đã được tiêm chủng với các nhóm còn lại.
Vấn đề này sẽ cần được bàn bạc cụ thể trong cuộc họp của các thành viên Liên minh châu Âu diễn ra trong tuần này để xem xét đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong Liên minh châu Âu trong những tháng tới khi có chứng nhận tiêm chủng Covid-19 hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine”.
Trong khi đó, nhiều quốc gia không ủng hộ cho rằng quá vội vàng khi có quyết định về vấn đề này vì vẫn còn quá sớm để khẳng định tính hiệu quả của vaccine hiện tại trong việc phòng tránh lây nhiễm Covid-19.
Mặt khác, với sự xuất hiện các biến thể Anh, Nam Phi và Brazil ở khu vực này đang đặt ra nhiều nghi ngờ về hiệu quả tiêm chủng hiện tại và đặt nhiều thách thức trong tương lai với vấn đề tiêm chủng của khối./.