Căng thẳng chính trị tại Mexico
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 là cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi nhất từ trước tới nay ở Mexico
Căng thẳng chính trị tiếp tục gia tăng tại Mexico bất chấp việc Tòa bầu cử Tư pháp liên bang của Mexico hôm 1/9 tuyên bố ông Enrique Pana Nieto là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 1/7 vừa qua.
Các đảng chính trị cánh tả cho biết họ sẽ tìm kiếm một phiên điều trần tại Quốc hội và kêu gọi người ủng hộ biểu tình để phản đối những gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.
Ông Nieto, luật sư từng giữ chức Thống đốc bang Mexico, sẽ trở thành Tổng thống quốc gia Trung Mỹ này từ ngày 1/12/2012 (ảnh: AFP) |
Phán quyết của Tòa bầu cử Tư pháp liên bang đã chấm dứt cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài suốt 2 tháng qua và cho phép ông Nieto, 46 tuổi, luật sư từng giữ chức Thống đốc bang Mexico, sẽ trở thành Tổng thống quốc gia Trung Mỹ này từ ngày 1/12/2012 đến hết tháng 11/2018.
Chiến thắng này cũng đánh dấu sự trở lại cầm quyền của Đảng Cách mạng Thể chế, Đảng từng lãnh đạo Mexico trong phần lớn thời gian của thế kỷ 20. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người về thứ 2 trong cuộc bầu cử - ứng cử viên cánh tả Andres Manuel López Obrador thuộc đảng Cách mạng Dân chủ (PRD). Những thành viên thuộc đảng Cách mạng dân chủ không công nhận việc tòa án bác đơn kiến nghị của họ và kêu gọi những người ủng hộ biểu tình vào ngày 9/9 tại thủ đô Mexico City.
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 là cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi nhất từ trước tới nay ở Mexico với cuộc chiến pháp lý kéo dài xung quanh cáo buộc ông Nieto đã "mua phiếu bầu" để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Liên minh cánh tả và hơn 300 tổ chức xã hội phản đối Đảng cách mạng thế chế trở lại cầm quyền, trong khi các đảng cánh hữu, cũng mở nhiều chiến dịch phản công nhằm bảo vệ lá phiếu cử tri mà theo họ là hợp lệ. Trước làn sóng phản đối của nhiều lực lượng, Đảng Cách mạng thế chế cam kết về một đất nước dân chủ và minh bạch dưới sự lãnh đạo của ông Nieto.
Ông Adriana Hernandez - một thành viên Đảng Cách mạng dân chủ khẳng định: “Trong một xã hội dân chủ, vị trí giành được nhờ sự ủng hộ của đa số, thể hiện kết quả và những gì người dân mong muốn, theo một cách cởi mở, thẳng thắn và minh bạch. Với tư cách là lực lượng lớn nhất trong Quốc hội, chúng tôi hiểu được trách nhiệm của lực lượng đứng đầu chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông Nieto”.
Ngoài việc phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của một số lực lượng chính trị, giới phân tích cho rằng, con đường phía trước của ông Nieti sẽ không ít chông gai và thách thức khi phải đối mặt với hai vấn đề nổi cộm nhất là chống đói nghèo và trấn áp nạn buôn ma túy. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Mỹ Latin, và đạt tăng trưởng tương đối ổn định trong những năm qua, song hiện vẫn có tới 47% trong tổng số 112 triệu dân Mexico thuộc diện nghèo. Bên cạnh đó, sau 12 năm cầm quyền tại Mexico (2000-2012), Đảng Hành động quốc gia vẫn chưa giải quyết được triệt để tình hình bạo lực giữa các băng nhóm bất chấp việc đưa ra hàng loạt các chiến dịch chống tội phạm có tổ chức từ năm 2006./.