Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu chưa thấy điểm dừng
VOV.VN - Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt lại càng trở nên căng thẳng hơn trong những ngày gần đây.
Các bên liên tiếp "đổ thêm dầu vào lửa" khi không ngừng cáo buộc, công kích lẫn nhau.
Chính phủ Đan Mạch hôm qua đã triệu hồi Đại biện lâm thời của Thổ Nhĩ Kỳ đến để trao đổi về những thông tin truyền thông địa phương cho rằng một số công dân Đan Mạch gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc lăng mạ và chống đối chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bị đưa vào danh sách những kẻ phản quốc.
Nghị sĩ Dittli. Ảnh: Srf. |
Cũng trong ngày hôm qua, tại Thụy Sĩ, Hạ nghị sĩ Josef Dittli tuyên bố sẽ triển khai một cuộc điều tra về các hoạt động gián điệp do các tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhắm vào những công dân Thổ Nhĩ Kỳ hoặc những người mang hai quốc tịch Thụy Sĩ - Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Thụy Sĩ. Ông Dittli cho rằng Quỹ Hồi giáo-Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Sĩ (TISS) và Liên minh các nhà dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ - châu Âu (UETD) có thể liên quan trong các hoạt động gián điệp kể trên. Ngoài ra, còn có các tổ chức khác và cả các nhà ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Sĩ.
Ông Dittli cũng chính thức kiện lên tòa hình sự một nhân vật giấu tên vì hoạt động gián điệp và tình báo chính trị. Theo nghị sĩ Dittli, những người chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bị đe dọa, tẩy chay về kinh tế và có thể bị Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào danh sách đen.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bày tỏ sự thất vọng khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lặp lại cáo buộc rằng Đức áp dụng các phương pháp phát xít bằng cách cấm các cuộc mít tinh của cộng đồng người Thổ tại Đức nhằm kêu gọi ủng hộ cho cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp, qua đó gia tăng quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Bà cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay lập tức việc so sánh với Đức Quốc xã, đồng thời nhấn mạnh, Đức có quyền cấm các hành động tương tự trong tương lai nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng luật pháp Đức.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với các doanh nhân người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc tại Đức, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, mối quan hệ giữa người Đức và cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Đức không nên bị ảnh hưởng bởi “xung đột” giữa hai nước hiện nay: “Chúng ra đang rơi vào tình thế cần phải lo ngại về sự xung đột giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ hay giữa châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ đang ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức. Quan điểm của tôi là chúng ta cần phải ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực này bằng mọi giá”.
Trong khi đó, tại một cuộc họp báo hôm qua, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus đã cảnh báo, các nước châu Âu cần thực hiện các biện pháp chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nếu không muốn rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa phát xít.
Ông cũng cho rằng, báo chí Đức và Thụy Sỹ không nên “giật tít” quá nhiều về Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng tôi không tổ chức trưng cầu ý dân ở Thụy Sỹ hay ở Đức. Các bạn không nên dành quá nhiều đề mục chính của mình cho một đảng nào đó về một cuộc trưng cầu ý dân không phải ở nước của các bạn. Điều này rõ ràng là can thiệp vào vấn đề nội bộ cũng như can thiệp vào chính trị Thổ Nhĩ Kỳ”.
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu bắt đầu từ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một phóng viên mang quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc tuyên truyền khủng bố và kích động hận thù. Tiếp đó là việc chính quyền một số địa phương của Đức hủy bỏ loạt sự kiện có các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tham dự nhằm vận động người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức ủng hộ Tổng thống Erdogan trong cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp vào tháng 4 tới.
Căng thẳng lan rộng khi một số nước châu Âu khác cũng hủy các cuộc mít-tinh vận động của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều ngày qua, các bên không ngừng có những động thái đáp trả lẫn nhau. Tình trạng này đang đe dọa các thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU), trong đó có thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư mà 2 bên đạt được hồi năm ngoái, bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã từng đe dọa sẽ xem xét, đánh giá lại một loạt thỏa thuận mà nước này đã ký với EU./.