Căng thẳng trước giờ "đóng cửa" Bangkok
VOV.VN - Ngày 9/1, hàng ngàn người lại tiếp tục gia tăng sức ép lên chính phủ tạm quyền khi tập trung biểu tình ở thủ đô Bangkok.
Thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Thái Lan Suthep Thaugsuban tham gia cuộc tuần hành ngày 22/12 tại Bangkok (Ảnh: AP) |
Bà Yingluck cho biết, Trung tâm quản trị hòa bình và trật tự (CAPO) sẽ lập một văn phòng tại Văn phòng cảnh sát quốc gia để theo dõi tình hình, bảo đảm các nhà chức trách sẽ bình tĩnh trong khi bảo đảm an ninh, tránh đụng độ, tôn trọng chuẩn mực quốc tế trong khi giải quyết tình hình với người biểu tình.
Trước đó, Thủ tướng Yingluck cũng khẳng định, chính phủ sẽ tiếp tục áp dụng Luật An ninh Nội địa (ISA) đang có hiệu lực tại thủ đô Bangkok và ba tỉnh lân cận, nhằm đối phó với chiến dịch biểu tình đường phố của phe đối lập.
Bày tỏ lo ngại chiến dịch "đóng cửa Bangkok" của phe đối lập sẽ hủy hoại nền kinh tế quốc gia, bà Yingluck một lần nữa nhấn mạnh rằng, trong trường hợp cần thiết chính phủ sẽ ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, một biện pháp pháp lý nghiêm ngặt hơn Luật An ninh Nội địa; đồng thời khẳng định thông tin về cuộc đảo chính quân sự sắp xảy ra là bịa đặt và bày tỏ tin tưởng giới lãnh đạo quân đội sẽ tìm kiếm giải pháp lâu dài thay vì những biện pháp mà cộng đồng quốc tế không hoan nghênh.
Để đối phó với kế hoạch “đóng cửa Bangkok” vào ngày 13/1 tới do phe đối lập phát động, nhà chức trách Thái Lan cho biết sẽ triển khai gần 15.000 cảnh sát và binh sĩ ở thủ đô vào tuần tới. Ngoài ra, giới chức tại Bangkok cũng đang nỗ lực chuẩn bị các biện pháp cần thiết trước cuộc đại biểu tình "đóng cửa Bangkok”.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng trấn an những lo ngại của các cơ quan ngoại giao nước ngoài có trụ sở đặt tại địa điểm có khả năng tụ tập lớn. Bộ Ngoại giao Thái Lan khẳng định, chính phủ sẽ có những biện pháp an toàn và đảm bảo giải quyết các vấn đề theo cách hòa bình và phù hợp với những nguyên tắc dân chủ.
Trong khi đó, ngày 9/1, phe đối lập đã bắt đầu tiến hành một số hoạt động trước thềm chiến dịch "đóng cửa Bangkok", trong đó đã khởi động bằng cuộc tuần hành ở Thon Buri, nhằm phát động người dân tham gia chiến dịch xuống đường tại Bangkok vào ngày 13/1 tới.
Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban tuyên bố, người biểu tình sẽ tiến vào Bangkok từ nhiều ngả, phong tỏa các tòa nhà chính phủ và các bộ và cắt nguồn cung điện, nước cho các cơ quan công quyền cũng như tư dinh của nhà lãnh đạo Yingluck.
Sau một loạt cuộc biểu tình đường phố thời gian qua, kế hoạch mới của lực lượng biểu tình không chỉ là bước leo thang mới, mà còn làm dấy nên lo ngại lớn trong xã hội Thái Lan về cuộc sống thường ngày của người dân bị đảo lộn.
Một người dân Bangkok cho biết: “Cuộc biểu tình sẽ ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của mọi người. Bởi vì có nhiều công ty buộc phải đóng cửa do các cuộc biểu tình”.
Ghi nhận của báo chí Thái Lan cho thấy, cuộc đối đầu giữa chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck với thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban chưa thể đến hồi kết. Dù tất cả các lực lượng an ninh đã sẵn sàng bảo vệ Bangkok nhưng chiến dịch "đóng cửa Bangkok" vào ngày 13/1 tiếp tục sẽ là một thách thức lớn đối với chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck./.