Cảnh báo lừa đảo tiền quyên góp cho nạn nhân xung đột ở Gaza
VOV.VN - Giới chức tại Mỹ và Anh hồi tuần trước cảnh báo sự gia tăng các vụ lừa đảo tiền quyên góp cho nạn nhân xung đột ở Trung Đông. Căng thẳng leo thang giữa Israel và lực lượng Hamas đã khiến hàng nghìn người chết và gây ra một thảm hoạ nhân đạo tồi tệ ở dải Gaza. Tuy nhiên, rất nhiều kẻ cơ hội đã lợi dụng danh nghĩa hỗ trợ nhân đạo để trục lợi cá nhân.
Công ty an ninh mạng Netcraft của Anh cho biết đã phát hiện hoạt động chuyển hơn 1,6 triệu USD tiền điện tử sang các tài khoản có liên quan đến những kẻ lừa đảo. Các nhóm tội phạm này thường kêu gọi quyên góp thông qua email, trang web, mạng xã hội và các cuộc gọi điện thoại giả mạo. Sau đó, người quyên góp được yêu cầu gửi tiền đến các ví Bitcoin theo danh sách. Bọn chúng sẽ sử dụng phần mềm để rút sạch ví điện tử của nạn nhân.
Cục Điều tra Liên bang và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng cảnh báo về các vụ lừa đảo quyên góp có liên quan đến cuộc xung đột ở Gada.Trong khi đó, Công ty an ninh mạng Group-IB có trụ sở tại Singapore cho biết, nạn lừa đảo trên không gian mạng đã phát triển như “nấm sau mưa” trong bối cảnh các cuộc xung đột lớn xảy ra trên thế giới. Chúng tạo ra một môi trường trong đó những kẻ lừa đảo thao túng cảm xúc của mọi người bằng cách tạo ra cảm giác cấp bách.
Một số trang web kêu gọi mọi người làm từ thiện để mua thực phẩm, thuốc men… và chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, chuyển tiền trực tiếp ngang hàng hoặc chuyển khoản qua các nền tảng quyên góp. Một số khác thì đề nghị mua quà lưu niệm và hứa sẽ chuyển số tiền thu được cho các mục đích nhân đạo.
Theo chuyên gia Melanie McGovern tại tổ chức phi lợi nhuận Better Business Bureau có trụ sở ở Mỹ, trước khi quyết định quyên góp, mọi người nên đặt ra những câu hỏi, xác thực thông tin và điều quan trọng là không nên tiết lộ thông tin ngân hàng qua điện thoại.
“Như các bạn biết, hiện nay rất dễ dàng để tạo ra các web giả mạo, cũng như các tài khoản mạng xã hội. Vì vậy, điều thực sự quan trọng là khi nhìn thấy bất kỳ lời kêu gọi quyên góp nào, mọi người nên dừng lại dù chỉ là 1 giây để suy nghĩ, thẩm định độ tin cậy của trang đó. Nhìn vào trang web xem nó đã tồn tại bao lâu, xem có hoạt động nào trước đây không, có thể là vài ngày trước đăng tin quyên góp. Bạn hãy luôn đặt câu hỏi những tổ chức nhân đạo đó có chi nhánh ở thực địa hay không, có phương tiện để đến đó hay không, có kinh nghiệm trong tình huống này không? Nếu muốn giúp đỡ, bạn cần đặt ra những câu hỏi và đảm bảo rằng việc này được thực hiện một cách an toàn để sự hỗ tợ đó có thể đến được với những người cần nó nhất”, chuyên gia McGovern nói.
Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) không bình luận trực tiếp về các vụ lừa đảo quyên góp ở Gaza nhưng cho biết, những kẻ lừa đảo trực tuyến vốn là những kẻ cơ hội và sẽ tìm cách lợi dụng bất kỳ cuộc khủng hoảng nào để thu lợi tài chính như từng xảy ra với đại dịch Covid-19. Chúng có đủ phương tiện kỹ thuật để mạo danh ngay cả những tổ chức có uy tín nhất. Vì vậy, bạn nên xác minh độc lập tính xác thực của bất kỳ thông tin liên lạc nào mà bạn nhận được qua tin nhắn, mạng xã hội, SMS hoặc thậm chí cả cuộc gọi.