Cảnh báo những vụ “bắt cóc giả” sinh viên Trung Quốc tại Australia
VOV.VN - Chính quyền Australia ngày 27/7 cảnh báo âm mưu ép buộc các du học sinh Trung Quốc phải giả vờ bị bắt cóc để gia đình gửi hàng triệu USD tiền chuộc.
Cảnh sát Australia cho biết, nhiều gia đình Trung Quốc đã mất hàng triệu USD tiền chuộc trong các vụ bắt cóc lừa đảo có sự tham gia của chính con em họ.
Những kẻ lừa đảo thường giao tiếp bằng tiếng Quan thoại và tự xưng là đại diện của một cơ quan Trung Quốc như đại sứ quán, lãnh sự quán hoặc cảnh sát. Những người này thuyết phục nạn nhân rằng họ liên quan tới một vụ phạm tội ở Trung Quốc hoặc danh tính của họ đã bị đánh cắp và phải trả phí để tránh đối mặt với hành động pháp lý, bị bắt giữ hoặc trục xuất.
Những kẻ lừa đảo sau đó tiếp tục đe dọa nạn nhân và giao tiếp thông qua các ứng dụng tin nhắn được mã hóa cho đến khi nạn nhân chuyển số tiền lớn vào tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Trong một số trường hợp, các nạn nhân còn bị ép dàn dựng một vụ bắt cóc. Các sinh viên phải cắt đứt liên lạc với bạn bè và người thân, sau đó chụp ảnh hoặc quay video mô tả họ đang bị trói và bịt mắt gửi cho người thân để đòi tiền chuộc.
Cảnh sát Australia cho biết, có ít nhất 8 vụ “bắt cóc giả” được ghi nhận với số tiền chuộc lên tới hơn 3 triệu AUD (2,1 triệu USD).
Nhiều vụ bắt cóc cũng đã được phát hiện ở những quốc gia khác trên thế giới. Theo cảnh sát Australia, các vụ “bắt cóc giả” đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua bởi các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
“Các nạn nhân bị mê hoặc bởi những gì đã xảy ra và cho rằng họ đã tự đặt mình và người thân vào tình huống nguy hiểm”, Peter Thurtell, trợ lý cảnh sát bang New South Wales cho biết.
“Trong những cuộc điện thoại có vẻ ngẫu nhiên này, những kẻ lừa đảo dường như đang nhắm đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương của cộng đồng người Australia gốc Hoa”, SBS dẫn lời cảnh sát trưởng bang New South Wale Darren Bennett cho biết.
Theo ông Bennett, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc khẳng định không có ai từ phía chính quyền liên lạc với một sinh viên qua điện thoại di động và yêu cầu các khoản tiền phải trả hoặc chuyển tiền như vậy.
Tổ chức phi lợi nhuận Consumer Watchdog của Australia cho biết, có hơn 1.000 vụ lừa đảo tự xưng là “chính quyền Trung Quốc” được ghi nhận vào năm 2019./.