Cảnh báo trục xuất 10 đại sứ nước ngoài, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây ngày một xa cách
VOV.VN - Cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất cùng lúc 10 đại sứ, trong đó có Mỹ, Pháp và Đức đã khiến quan hệ của nước này với Mỹ và các đồng minh khác trong Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày một xa cách.
Nguyên nhân không chỉ liên quan đến vụ bắt giữ nhà hoạt động Osman Kavala, mà còn một lần nữa phản ánh mối quan hệ “đồng sàng dị mộng” giữa các nước đồng minh.
Tổng thống Tayyip Erdogan đã gọi 10 đại sứ, trong đó có tới 7 quốc gia đồng minh NATO, là “những người không được chào đón” tại Thổ Nhĩ Kỳ, bước đầu tiên hướng tới tước bỏ tư cách ngoại giao và cuối cùng là trục xuất.
Vụ việc bắt nguồn từ tuyên bố chung hồi đầu tuần qua của đại diện các nước Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy và New Zealand yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Osman Kavala, vốn bị Ankara cáo buộc đứng đằng sau các cuộc biểu tình ở công viên Gezi năm 2013 và âm mưu đảo chính năm 2016. Hầu hết các nước đều chưa đưa ra bình luận về thông tin. Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang chờ xác thực từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, thì Na Uy khẳng định, đại sứ nước này không làm bất cứ điều gì đáng bị trục xuất. Theo một nguồn tin Bộ Ngoại giao Đức, 10 quốc gia đang tham vấn với nhau.
Dự kiến trong ngày hôm nay (25/10), chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng liệu có trục suất các nhà ngoại giao phương Tây hay không. Nếu diễn ra, vụ việc có nguy cơ gây rạn nứt sâu sắc nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây trong 2 thập kỷ cầm quyền của ông Erdogan. Trong số 10 quốc gia có thể sẽ không còn đại sứ tại Thổ Nhĩ, có đến 7 nước là thành viên NATO.
Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: "Tôi yêu cầu bộ trưởng Ngoại giao lập tức tuyên bố 10 đại sứ các nước là người không được hoan nghênh. Họ phải biết và hiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày mà họ không còn hiểu Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lúc họ phải rời khỏi đây".
Trên thực tế, thời gian qua, tuy là đồng minh nhưng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các nước phương Tây khác vẫn luôn trong trạng thái “đồng sàng dị mộng”. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn nuôi tham vọng đóng một vai trò địa chính trị lớn hơn nữa, thì cách tiếp cận của phương Tây đối với chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Tổng thống Erdogan thường bác bỏ hoặc thậm chí đối nghịch. Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp sự phản đối của các đồng minh hay cảnh báo trục xuất các đại sứ mới đây đã phần nào cho thấy Ankara không hề đe dọa suông.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, sự ràng buộc trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây là không dễ cắt đứt và hai bên sẽ không để căng thẳng leo thang đến mức “khó xử”. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên chủ chốt trong NATO và có vai trò hết sức quan trọng tại Trung Đông. Trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng khó có thể triển khai được chính sách của mình tại khu vực nếu không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đặt căn cứ không quân Incirlik có chứa các loại vũ khí hạt nhân do Mỹ kiểm soát và là một căn cứ quân sự quan trọng của liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông.
Ngược lại, Ankara cũng cần Mỹ và các đồng minh phương Tây để giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước và duy trì được thế cân bằng chiến lược tại Trung Đông. Tổng thống Erdogan dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Roma (Italy) trong tuần này và Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ở Anh sau đó./.