Cảnh báo về thảm họa nhân đạo tại Gaza
VOV.VN - Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Palestine đánh giá, nếu lệnh cấm nhiên liệu tiếp tục diễn ra, các dịch vụ cứu thương tại Gaza sẽ phải ngừng hoạt động trong vài ngày tới, khiến người dân không có dịch vụ y tế trong bối cảnh pháo kích đang diễn ra.
Trong ngày thứ 6 của cuộc xung đột Israel - Hamas, các tổ chức nhân đạo quốc tế đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về tình hình nhân đạo và y tế ở Dải Gaza, sau khi Israel phong tỏa hoàn toàn khu vực này vào ngày 9/10, cắt nguồn cung cấp điện, nước, nhiêu liệu và lương thực. Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 12/10, chính quyền Israel cho biết sẽ không có ngoại lệ nhân đạo nào đối với cuộc bao vây Dải Gaza, cho đến khi tất cả các con tin của họ được giải thoát.
Thống kê của Bộ Y tế Palestine cho thấy, số người Palestine thương vong kể từ khi xảy ra xung đột tiếp tục tăng cao, với 1.417 người thiệt mạng và 6.268 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel ở Dải Gaza, gần một nửa trong số đó là trẻ em và phụ nữ.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết, hơn 423.000 người tại Gaza đã buộc phải rời bỏ nhà cửa; ít nhất 2.540 ngôi nhà bị phá hủy, 22.850 ngôi nhà ở khác bị thiệt hại từ trung bình đến nhẹ; nhiều cơ sở hạ tầng dân sự bị hư hại nặng nề.
Giám đốc khu vực của tổ chức Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Fabrizio Carboni cảnh báo: “Khi các bệnh viện ở Gaza mất điện, trẻ sơ sinh trong lồng ấp và bệnh nhân lớn tuổi phải thở oxy gặp nguy hiểm; quá trình lọc thận ngừng và không thể chụp X-quang. Không có điện, bệnh viện có nguy cơ biến thành nhà xác”.
Theo Người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Gaza đang trên bờ vực cạn kiệt lương thực; cơ sở hạ tầng bị hư hại đã cản trở nghiêm trọng việc sản xuất và phân phối thực phẩm tại các cửa hàng thực phẩm do tổ chức này giám sát.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Palestine đánh giá, nếu lệnh cấm nhiên liệu tiếp tục diễn ra, các dịch vụ xe cứu thương tại Gaza sẽ phải ngừng hoạt động trong vài ngày tới, khiến người dân không có dịch vụ y tế trong bối cảnh pháo kích đang diễn ra.
Dải Gaza - nơi có 2,3 triệu người Palestine sinh sống, vốn phụ thuộc vào các nguồn tiếp tế từ bên ngoài qua lãnh thổ Israel, hiện đang trông chờ các hoạt động cứu trợ nhân đạo thông qua cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và khu vực này.
Ai Cập cũng đang điều động các chuyến bay viện trợ quốc tế đến sân bay Al-Arish, gần cửa khẩu Rafah, tuy nhiên, tình hình phức tạp bên trong Dải Gaza đã khiến các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc bị ngừng trệ.