Cắt mạch máu tài chính của IS: Chiến lược để đối phó với khủng bố
VOV.VN - Các nhà lãnh đạo thế giới cũng đề xuất các biện pháp nhằm đập tan bộ máy tài chính của tổ chức khủng bố được cho là giàu có nhất thế giới này.
Vụ tấn công khủng bố tại Paris, Pháp tuần trước làm chấn động thế giới đang củng cố quyết tâm của cả thế giới trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Bên cạnh việc chia sẻ thông tin tình báo, thực hiện chiến dịch không kích trực tiếp nhằm vào IS tại Syria, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đề xuất các biện pháp nhằm đập tan bộ máy tài chính của tổ chức khủng bố được cho là giàu có nhất thế giới này.
Máy bay chiến đấu Pháp xuất kích từ một địa điểm bí mật để tiến đánh IS ở Syria. Ảnh: AP. |
Các nguồn tài chính bổ sung bao gồm bắt cóc đòi tiền chuộc, tống tiền, sự đóng góp của các cá nhân và tổ chức bên ngoài. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định, bên cạnh việc chia sẻ tình báo, tấn công trực tiếp để tiêu diệt các phần tử IS, việc cắt đứt mạch máu tài chính của Tổ chức này cũng nằm trong chiến lược chung chống khủng bố.
Theo đó, các nước cần gián đoạn dòng doanh thu của IS, hạn chế IS tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế, nhằm mục tiêu vào lãnh đạo của IS cũng như các bộ phận hỗ trợ và ủng hộ IS.
Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp các nước Liên minh châu Âu hôm nay nhóm họp tại Bỉ để thảo luận về các biện pháp chống IS, trong đó có việc kiểm soát các nguồn hỗ trợ tài chính cho IS.
Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch truy quét các hình thức thanh toán ẩn danh và tiền ảo, trong nỗ lực để giải quyết vấn đề tài trợ khủng bố sau cuộc tấn công tại Paris.
Các nhà lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị G20 tuần trước cũng cho biết sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, đóng băng các tài sản khủng bố, ngăn chặn các nguồn hỗ trợ tài chính và áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân và tổ chức hỗ trợ cho khủng bố.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Chúng tôi nhất trí rằng thách thức này không thể chỉ được giải quyết bằng quân sự mà bằng các biện pháp khác nhau. Một phần trong đó là sự hợp tác tình báo cũng như quốc tế trong các hoạt động giám sát truyền thông Internet. Rất nhiều nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cắt giảm các kênh tài chính cho khủng bố cũng như ngăn chặn tất cả các hoạt động bất hợp pháp”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chống khủng bố quốc tế cảnh báo, cắt đứt nguồn tài chính cho IS không phải là một liều thuốc chữa bách bệnh. Thực tế vụ tấn công tại Paris tuần trước đã được lên kế hoạch tại Bỉ, tiến hành trong bối cảnh các thế chế tài chính thế giới thắt chặt hoạt động giao dịch tài chính xung quanh những khu vực IS kiểm soát.
Chính phủ Iraq cũng đã cấm các ngân hàng thực hiện giao dịch tới và từ những khu vực do IS kiểm soát, trong khi Bộ Tài chính Mỹ và các đối tác châu Âu hạn chế các thể chế tài chính quốc tế chuyển tiền vào hoặc ra khỏi Syria.
Giám đốc chương trình chống khủng bố và tình báo của Viện Washington về chính sách Cận Đông Matthew Levitt cho rằng, không phải tất cả các vụ tấn công của IS đều được đầu tư lớn.
Các chiến dịch giết người, cướp bóc, hãm hiếp và tống tiền của nhóm này tại những khu vực ở Iraq và Syria không đòi hỏi chi phí cao. Vụ tấn công tại Pháp cũng là một điển hình khi không cần huy động nhiều chi phí. Trong khi đó, một số kẻ tấn công được mệnh danh là sói đơn độc ủng hộ IS có thể thực hiện các vụ tấn công mà không có bất kỳ sự hỗ trợ kinh phí nào từ IS.
Các chuyên gia phân tích cũng nhận định, cùng với những bất đồng sắc tộc, xung đột lợi ích giữa các cường quốc và nội chiến liên miên tại nhiều khu vực trên thế giới sẽ là những yếu tố khiến cho cuộc chiến tiêu diệt IS ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn./.