Châu Âu đắn đo quyền lợi trong khủng hoảng ở Ukraine
VOV.VN - Ngày 3/3, Liên minh châu Âu sẽ họp khẩn cấp tại Brussel, Bỉ, về vấn đề Ukraine.
Diễn biến khủng hoảng tại Ukraine và lan rộng trên bán đảo Crimea đang kéo căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây như thời kỳ Chiến tranh lạnh. Lợi ích kinh tế là vấn đề mà Liên minh châu Âu phải đặt lên bàn cân khi xem xét giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Các nước châu Âu dường như không thể ngồi yên trước diễn biến căng thẳng, mà thậm chí theo Ukraine là “bờ vực chiến tranh” giữa Nga và Ukraine. Anh, Pháp cảnh báo có thể rút G8 thành G7 khi loại trừ tư cách thành viên của Nga trong nhóm này.
Các nước này cũng tuyên bố sẽ không tham gia các cuộc gặp trong Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra tại thành phố Sochi của Nga vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, điều mà nhiều nước châu Âu lo ngại lúc này là kịch bản khủng hoảng khí đốt lặp lại, khi châu Âu đang mua gần 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga thông qua các đường ống dẫn trên lãnh thổ Ukraine.
Bất ổn chính trị gia tăng ở Ukraine (Ảnh Reuters) |
Ba Lan, một trong những nước chịu tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng năng lượng Nga-Ukraine từng xảy ra năm 2006, 2008, ngày 2/3 đã nhóm họp các nghị sĩ về diễn biến căng thẳng hiện nay. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định ủng hộ với nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế cho tình hình Ukraine.
Ông Donal Tusk nói: "Căng thẳng Ukraine leo thang từng ngày. Đây là giai đoạn khó khăn và chúng ta phải cùng đoàn kết. Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà không dễ dàng tìm được lối thoát. Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này có thể thay đổi lịch sử của Ukraine, Ba Lan và phần còn lại của châu Âu".
Tại Cộng hòa Czech, Ủy ban an ninh của Chính phủ cũng họp bàn về tình hình an ninh nước láng giềng Ukraine. Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka nói: “Chúng tôi cho rằng người dân Ukraine mới là người quyết định tương lai của nước này. Vận mệnh của Ukraine không phải do Nga hay Liên minh châu Âu quyết định. Đây là quyền của người dân Ukraine thông qua một tiến trình dân chủ và bầu cử mà không phải chịu sức ép từ bất cứ lực lượng quân đội nào”.
Trong đối đầu Nga-phương Tây lần này, nước Nga dường như có lợi thế hơn với quân bài khí đốt, trong khi châu Âu vẫn đang chật vật với khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cảnh báo “mối quan hệ lạnh nhạt” với Nga cũng đồng nghĩa với những tổn hại kinh tế được báo trước./.