Châu Âu đổi giờ và sự rắc rối không cần thiết
VOV.VN - 84% người dân châu Âu cho rằng việc đổi múi giờ hai lần trong năm từ mùa Hè sang mùa Đông và ngược lại là việc làm vô ích.
Thông lệ hàng năm, các nước châu Âu có hai lần đổi giờ. Vào đêm cuối tuần cuối cùng của tháng 3, các nước sẽ đồng loạt đổi sang giờ mùa Hè, tức chênh 2 tiếng với giờ GMT (múi giờ London, muộn 5 tiếng với Việt Nam) và vào đêm cuối tuần cuối cùng của tháng 10, các kim đồng hồ lại được vặn sớm hơn 1 tiếng.
84% người dân châu Âu cho rằng việc đổi múi giờ hai lần trong năm là việc làm vô ích. (Ảnh: AFP). |
Đó là giờ mùa Đông. Sẽ sớm hơn giờ GMT 1 tiếng và muộn hơn giờ Việt Nam 6 tiếng.
Để tìm lại nguồn gốc xuất phát của ý tưởng đổi giờ tại các nước châu Âu, cần quay ngược thời gian về thời điểm hơn 1 thế kỷ trước, ở thời điểm của Thế chiến I. Anh và Ireland khi đó là các nước đầu tiên thực hiện việc đổi sang giờ mùa Hè, để tiết kiệm điện.
Lí do là vào mùa Hè, mặt trời chiếu sáng nhiều hơn, buổi tối đến muộn hơn, nên có thể kéo dài thời gian làm việc hơn nhờ ánh sáng tự nhiên.
Trong nhiều năm sau đó, nhiều nước châu Âu, tuỳ các giai đoạn khác nhau, đều thực hiện phương pháp này, với mục đích giống nhau là tiết kiệm năng lượng. Mùa Hè nhiều ánh sáng thì rút đẩy nhanh hơn 1 tiếng để làm nhiều hơn, mùa Đông tối sớm thì rút ngắn lại 1 tiếng để nghỉ sớm hơn.
Tuy nhiên, phải đến sau cú sốc khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 70, các nước châu Âu mới thực hiện việc đổi giờ hai lần trong năm một cách đồng loạt. Đến năm 2001, Uỷ ban châu Âu chính thức đưa ra Quy định thống nhất ngày tháng đổi giờ từ Hè sang Đông và ngược lại: vào ngày cuối tuần cuối cùng của tháng tháng 10 và tháng 3.
Cho đến nay, hơn 60 nước trên thế giới đang thực hiện điều này.
Lợi ích khiêm tốn
Mục đích lớn nhất, và duy nhất, của việc đổi giờ trong quá khứ là để tiết kiệm năng lượng.
Câu hỏi đặt ra là liệu việc đổi giờ này có thực sự giúp các nước tiết kiệm năng lượng hiệu quả hay không?
Các nghiên cứu chuyên sâu, như của Cơ quan kiểm soát môi trường và năng lượng Pháp (ADEME) chỉ ra rằng, việc đổi giờ mang lại tác dụng rất khiêm tốn.
Tác động lớn nhất là ở việc chiếu sáng. Vào năm 2010 tại châu Âu, việc đổi giờ giúp tiết kiệm được khoảng 440 GWh, tức tương đương lượng điện tiêu thụ của khoảng 800.000 hộ gia đình, qua đó giảm được 44.000 tấn CO2 xả vào môi trường.
Nhưng qua từng năm, lợi ích này càng thu hẹp lại và đến năm 2030, dự đoán việc tiết kiệm điện nhờ đổi giờ chỉ còn ở mức 340 GWh. Trong khi đó, tác dụng tiết kiệm đối với việc sưởi ấm và làm mát là không đáng kể.
Ngoài ra, những người phản đối việc đổi giờ còn cho rằng việc đổi giờ khiến gia tăng các tai nạn và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ do thay đổi nhịp sinh hoạt thường ngày.
Mùa Đông hay mùa Hè?
Qua từng năm, các nước đều dần từ bỏ việc đổi giờ. Năm 1991 là Trung Quốc, đến 2011 là Nga và Belarus, 2016 đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại châu Âu, các kiến nghị bãi bỏ việc đổi giờ ngày càng lớn, buộc Uỷ ban châu Âu phải hành động. Một cuộc thăm dò dư luận rộng lớn được tiến hành trong hai năm qua, với hơn 4,6 triệu người tham gia đã đưa đến kết quả là 84% người dân châu Âu phản đối việc đổi giờ.
Đến tháng 9/2018, Uỷ ban châu Âu chính thức đưa ra thông báo sẽ huỷ bỏ việc đổi giờ, bắt đầu từ tháng 4/2019.
Theo nguyên tắc, vào ngày 31/3/2019, tất cả các nước châu Âu vẫn đổi sang giờ mùa Hè, và kéo dài giai đoạn giờ mùa Hè này đến ngày 27/10/2019. Từ thời điểm đó trở đi, các nước được quyền tự lựa chọn múi giờ mà mình sẽ áp dụng. Nhưng lựa chọn này phải được thông báo chậm nhất vào ngày 27/4/2019.
Vấn đề với các nước châu Âu là sẽ phải chọn múi giờ mùa Đông hay mùa Hè? Uỷ ban châu Âu khuyến nghị các nước tham khảo và thảo luận kỹ với nhau, đặc biệt các nước có chung đường biên giới. Các thăm dò dư luận cho thấy, 56% dân châu Âu muốn lựa chọn múi giờ mùa Hè, tức chênh 2 tiếng với giờ GMT, còn 36% chọn giờ mùa Đông, chênh 1 tiếng. Một số nước đã đưa ra quyết định: Bồ Đào Nha, đảo Cyprus, Ba Lan chọn giờ mùa Hè. Đan Mạch, Phần Lan chọn giờ mùa Đông
Đối với châu Âu, chuyện phức tạp nhất của đổi giờ liên quan đến vận tải hàng không, bởi việc các nước lựa chọn các múi giờ khác nhau mà không có sự hài hoà sẽ dẫn đến sự rối loạn.
Các Bộ trưởng Giao thông EU sẽ họp buổi đầu tiên vào ngày 30-31/10 này tại Graz (Áo) để tìm ra giải pháp./.