Châu Âu gấp rút chuẩn bị cho kịch bản “ác mộng” nếu Nga cắt hoàn toàn khí đốt
VOV.VN - Các quan chức nhiều nước châu Âu cho biết các nước này đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là Nga bắt đầu cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu kể từ ngày hôm nay (11/7), khi Nga tạm ngưng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 1” để bảo trì theo kế hoạch.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, Gazprom ngày 11/7 chính thức bắt đầu công việc bảo trì đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 1” dài 1220km vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Đây là hoạt động bảo trì thường niên kéo dài từ 10-14 ngày và trong thời gian đó, Nga sẽ tạm ngưng việc cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu thông qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài và quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây ngày càng trở nên đối đầu căng thẳng, các quan chức châu Âu đang đặc biệt lo ngại phía Nga sẽ tận dụng việc bảo trì đường ống để lấy lí do kỹ thuật cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Tại Đức, nước phụ thuộc lớn nhất vào nguồn khí đốt do Nga cung cấp qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1”, Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck cho biết “mọi chuyện đều có thể xảy ra, dòng chảy khí đốt có thể vẫn được nối lại hoặc sẽ bị cắt đứt hoàn toàn” và nước Đức cần phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Trong những ngày qua, chính quyền Đức đang gấp rút hoàn thiện các phương án ứng phó khẩn cấp nếu Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt ngay lập tức.
Cuối tuần qua, ngày 9/7, Nghị viện Liên bang Đức đã thông qua dự luật khẩn cấp cho phép tái khởi động lại các nhà máy điện than nhằm bù đắp cho phần khí đốt thiếu hụt từ Nga, bất chấp các lo ngại và phản đối vì vấn đề môi trường. Trên thực tế, từ 2 tháng qua, Nga đã cắt giảm mạnh nguồn cung và lượng khí đốt mà Đức nhận từ Nga hiện chỉ tương đương 40% cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn năng lượng Đức Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất nước Đức cho biết, lượng cắt giảm từ phía Nga trong thời gian qua đã tương đương với lượng khí đốt đủ cung cấp cho 660.000 hộ dân tại Đức trong vòng 1 năm. Theo ông Klaus-Dieter Maubach, Giám đốc điều hành tập đoàn Uniper, nếu tình hình hiện nay không cải thiện, tập đoàn của ông sẽ không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm hoạt động và tăng giá khí đốt với người dân Đức.
“Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ thông báo cho các khách hàng về tình hình hiện tại cũng như khả năng sẽ phải tăng giá khí đốt. Trong một số trường hợp riêng lẻ, chúng tôi cũng không thể loại trừ việc sẽ cắt nguồn cung khỏi hợp đồng. Tình hình hiện tại không cho chúng tôi lựa chọn nào khác”.
Nhằm hạn chế tối đa khả năng Nga viện lí do kỹ thuật để cắt khí đốt, chính phủ Đức trong tuần qua cũng đã vận động quyết liệt Canada để Canada chấp nhận chuyển giao lại cho phía Nga hai turbin nén khí dùng cho đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” đang được sửa chữa tại Canada, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía chính quyền Ukraine.
Giới chuyên gia kinh tế ước tính, mặc dù đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine nhưng hiện 35% khí đốt nhập khẩu của Đức vẫn là do Nga cung cấp (so với con số 55% trước xung đột) và Đức vẫn chưa có phương án nào có thể thay thế khí đốt của Nga và nếu Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt, kinh tế Đức gần như chắc chắn rơi vào suy thoái. Hiện tại, việc Nga cắt giảm lượng khí đốt qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” thời gian qua cũng đã khiến Đức khó hoàn thành mục tiêu ngắn hạn là lấp đầy 90% lượng dự trữ khí đốt của nước này trước ngày 01/11 để ứng phó với mùa Đông năm nay. Con số do chính quyền Đức công bố hôm 9/7 vừa qua là 63%.
Ngoài Đức, một loạt các quốc gia châu Âu khác cũng sẽ chịu ảnh hưởng nếu Nga cắt khí đốt, dù ở cấp độ thấp hơn, bởi khí đốt từ đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” từ Nga sau khi đến Đức lại được bơm đi khắp châu Âu. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire ngày 10/7 nhận định, khả năng Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung hiện dễ xảy ra nhất và người dân Pháp cần ngay lập tức học cách thích ứng bằng việc giảm tiêu thụ năng lượng.
Tại Italy, sáng 11/7, tập đoàn ENI cho biết lượng khí đốt mà Gazprom cung cấp cho Italy đã giảm 1/3, xuống chỉ còn 21 triệu m3/ngày so với con số 32 triệu m3 mỗi ngày trong thời gian qua./.