Châu Âu kêu gọi tăng cường quản lý người tị nạn
VOV.VN -Một cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU được tổ chức trong bối cảnh người tị nạn vẫn đổ dồn về châu Âu gây ra sự chia rẽ về vấn đề tiếp nhận người di cư.
Ngày 6/10, tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP), các nghị sĩ đã thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư và nhấn mạnh các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý để cuộc khủng hoảng này không lan rộng ra toàn thế giới.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhắc lại hiện hàng nghìn người di cư đang tới châu Âu vì cộng đồng châu Âu luôn “cởi mở và độ lượng”.
Những người tị nạn tụ tập bên bờ biển Lesbos, Hy Lạp. (ảnh: EPA). |
Chủ tịch Tusk cho rằng, nhiệm vụ chung của toàn châu Âu là phải giúp đỡ người di cư và bảo vệ biên giới ngoại khối. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên hiện nay là tái lập việc kiểm soát biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh, cần phải xem xét các vấn đề người nhập cư ngay cả phạm vi bên ngoài châu Âu. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu phải phối hợp với nhau để hướng tới việc giúp đỡ những người nghèo khổ hiện đang cố gắng đến được bờ biển châu Âu.
“Khi vấn đề người tị nạn nằm trong chương trình nghị sự giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ thì chúng tôi sẽ có các cuộc thảo luận sâu hơn về vấn đề này. Tôi sẽ có đề xuất với các đồng nghiệp của chúng tôi về chương trình người nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cảm ơn Nghị viện châu Âu đã “bật đèn xanh cho việc phân chia công bằng người nhập cư giữa các quốc gia thành viên”. Theo ông Juncker, quyết định này chỉ ra con đường mà các chính phủ cần phải theo.
Trong khi đó, theo ý kiến của các nghị sĩ, Liên minh châu Âu cần phải có các biện pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng nhập cư và phải mau chóng có câu trả lời cho vấn đề này, vì tương lai của toàn lục địa. Ngoài ra các nghị sỹ cũng cho rằng việc các quốc gia châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư là “tín hiệu của cuộc khủng hoảng nội khối hiện đang cản trở và đe dọa sự ổn định và tình đoàn kết của toàn châu Âu”.
Vào thời điểm này, Châu Âu đang gặp vô vàn khó khăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn khi hàng trăm ngàn người tị nạn từ các vùng chiến tranh đói nghèo ở Trung Đông và Bắc Phi vẫn đổ về tìm cuộc sống mới. Cuộc di cư bất ngờ đến châu Âu của hàng chục nghìn người tị nạn từ Syria, Iraq, Libya, Afghanistan, các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan hoặc Lebanon đã khuấy động sự bất đồng sâu sắc giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu về biện pháp xử lý và tiếp nhận họ.
Chính vì thế, ngày 6/10, khi đến thăm đảo Lesbos của Hy Lạp-nơi tập trung đông người di cư, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã kêu gọi các quốc gia châu Âu và các nước khác trên thế giới cùng đoàn kết, san sẻ trách nhiệm trong việc tiếp nhận người di cư bởi không có nước nào có thể tự giải quyết được vấn đề này: “Không một quốc gia nào trong Liên minh châu Âu có khả năng một mình mang lại giải pháp hay có thể giải quyết được vấn đề người di cư. Không phải Đức, Áo, Hy Lạp có khả năng một mình xử lý, đối phó với tình trạng này".
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), gần 3.000 người di cư đã thiệt mạng trong hành trình nguy hiểm vượt Địa Trung Hải tới châu Âu kể từ đầu năm 2015 tới nay./.