Châu Âu kêu gọi tránh can thiệp quân sự vào Niger
VOV.VN - Một số các quốc gia lớn ở châu Âu như Đức, Italy đã kêu gọi Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (Ecowas) gia hạn thời gian đàm phán để tìm kiếm giải pháp ngoại giao và tránh một cuộc xung đột mới tại Niger.
Từ châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani hôm qua (7/8) cho biết muốn Cộng đồng các quốc gia Tây Phi (Ecowas) gia hạn tối hậu thư mở đường cho các cuộc đàm phán mới với lực lượng đảo chính tại Niger, đồng thời khẳng định châu Âu không mong muốn một cuộc đối đầu quân sự tại Niger và bị phán xét là theo đuổi chủ nghĩa thực dân mới tại châu Phi.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức Sébastian Fischer cho rằng các nỗ lực trung gian hoà giải mới chỉ ở giai đoạn đầu và không có cơ chế tự động nào để liên hệ giữa việc kết thúc thời hạn tối hậu thư với một cuộc can thiệp quân sự từ Ecowas.
Bộ Ngoại giao Pháp tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với các quyết định của Ecowas trong việc nhanh chóng khôi phục nền dân chủ tại Niger. Pháp hiện đã đình chỉ các khoản viện trợ phát triển và viện trợ ngân sách cho Niger, dừng các hoạt động hợp tác về quốc phòng và an ninh với Niger ngay sau khi cuộc đảo chính quân sự diễn ra (ngày 26/7) dù khẳng định các thoả thuận quốc phòng và an ninh ký kết trước đây giữa Pháp và Niger vẫn có giá trị bất chấp các tuyên bố huỷ bỏ của lực lượng đảo chính.
Trước làn sóng thù địch chống Pháp đang có xu hướng lan rộng, nhà chức trách Pháp hôm qua (07/8) tiếp tục ra khuyến cáo ở cấp độ cao nhất yêu cầu công dân Pháp không nên tới Niger, đồng thời cảnh báo những công dân vẫn đang lưu trú tại Niger cần tăng cường cảnh giác, liên tục cập nhật tình hình, hạn chế đi lại, tránh xa các điểm tập trung đông người và có ý thức phòng vệ nếu ra khỏi nơi cư trú.
Hiện các hãng hàng không của Pháp và châu Âu đang gặp nhiều khó khăn khi phải điều chỉnh đường bay, tránh bay qua Niger sau khi lực lượng đảo chính thông báo đóng cửa không phận nhằm ứng phó với khả năng can thiệp quân sự từ Ecowas sau khi thời hạn tối hậu thư kết thúc (ngày 6/8).
Trong một động thái giảm căng thẳng, Ecowas đã ra thông báo cho biết can thiệp quân sự chưa phải lựa chọn ưu tiên trong thời điểm hiện nay và sẽ họp thượng đỉnh bất thường vào ngày 10/8 tới để ra quyết định về vấn đề này sau khi có những ý kiến trái chiều phản đối can thiệp từ một số quốc gia thành viên như Algeiravà Nigeria.
Niger đang là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới khi 40% nguồn lực là đến từ các khoản viện trợ nước ngoài. Quốc gia này có nguy cơ lún sâu vào vòng xoáy bất ổn khi bị kẹt giữa một bên là tổ chức khủng bố Hồi giáo Boko Haram và một bên là chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Sahara.