Châu Âu lo ngại trước việc Thủ tướng Italy từ chức
(VOV) - Giới chuyên gia nhận định Italy có thể là tâm điểm khủng hoảng nợ tiếp theo của Eurozone, sau Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Tối 21/12, Thủ tướng Italy Mario Monti đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Giorgio Napolitano, mở đường để ông Napolitano kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử, dự kiến vào ngày 24/2 năm sau.
Tuy nhiên, châu Âu lại không mấy lạc quan trước viễn cảnh một cuộc tổng tuyển cử tại Italy sắp được tổ chức.
Tuyên bố từ Phủ Tổng thống cho biết ông Monti "đã đệ đơn từ chức của chính phủ" trong cuộc gặp với Tổng thống Napolitano, và được đề nghị sẽ vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò thủ tướng tạm quyền trong khoảng thời gian chuyển tiếp này.
Trong một tuyên bố trước báo giới, Thư ký của Tổng thống, ông Donato Mara cho biết: “Vào 19h hôm nay, Tổng thống Napolitano đã nhận được đơn từ chức của Thủ tướng, Thượng nghị sỹ Monti, ngay sau khi kế hoạch ngân sách năm 2013 của Quốc hội vừa được thông qua”.
Phải chăng ông Monti (ảnh) từ chức một phần là để đối phó với ông Berlusconi? (nguồn: biyamasr) |
Hành động từ chức của ông Monti diễn ra ngay sau khi Hạ viện Italy thông qua lần cuối kế hoạch ngân sách năm 2013 (hay còn gọi là Luật Bình ổn). Theo các nguồn tin, ông Monti sẽ có cuộc họp báo cuối cùng vào ngày 23/12 để công bố "Lộ trình" lâu nay của ông đối với Italy, cụ thể là những biện pháp mà chính phủ kỹ trị của ông đã thực hiện trong năm qua, cũng như những cải cách cần phải thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo này, ông Monti dự kiến vẫn chưa tuyên bố ý định liệu có ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới hay không, mà có thể sẽ chờ thêm vài ngày nữa mới đưa ra quyết định chính thức.
Kỹ trị thất bại?
Như vậy, hơn 1 năm sau khi nhậm chức, ông Monti đã đưa ra lời từ chức, dù trong ngần ấy thời gian chính phủ của ông đã thực hiện khá nghiêm túc những chính sách mà châu Âu đề ra để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, dường như những việc mà ông Monti đã làm chưa đủ để giúp đất nước thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng. Vì thế, đương kim thủ tướng này đã mất đi sự ủng hộ của Đảng Nhân dân Tự do chiếm đa số tại Quốc hội. Trong khi đó, ngay sau quyết định từ chức của Thủ tướng Monti thì đảng Nhân dân Tự do cũng tuyên bố sẽ đẩy nhanh chiến dịch tranh cử.
Ông Carlo Ciccioli, một thành viên của đảng Nhân dân Tự do nói: “Bây giờ chiến dịch tranh cử đã bắt đầu, như mọi người đều biết, chúng tôi sẽ thể hiện trách nhiệm của mình và tôi hy vọng rằng người dân sẽ quyết định một chính phủ chính trị chứ không phải một chính phủ kỹ trị, không giống như chính phủ của ông Monti.”
Đòn phủ đầu
Theo một số nhà phân tích nhận định, quyết định từ chức để đẩy nhanh cuộc bầu cử của ông Monti cũng có thể là một cách để ông chuẩn bị con đường riêng cho mình tham gia chính trường sau khi ông Cựu Thủ tướng Berlusconi thông báo sẽ ra tranh cử. Đây được coi là “nước cờ phủ đầu”, ngăn ông Berlusconi có thời gian tranh cử lâu dài để từ đó lợi dụng khó khăn trong nước và quy trách nhiệm lên chính phủ hiện nay nhằm thu hút lá phiếu của cử tri.
Ông James Walston, một nhà phân tích chính trị Đại học American tại thành phố Rome của Italy nhận định: “Ông Monti có thể tiếp tục là nhà lãnh đạo của Italy, mặc dù những ý định chính trị của ông cho thấy ông có thể chỉ trở thành một chính trị gia hoặc lãnh đạo một đảng nhỏ. Chúng ta sẽ nhìn thấy sự lựa chọn này của ông trong tuần tới hoặc trong vòng 10 ngày tới”.
Lo ngại cựu Thủ tướng Berlusconi trở lại chính trường
Chính những sự kiện dồn dập này càng khiến chính trường Italy trở nên rối ren. Theo nhận định của giới chuyên môn, diễn biến chính trị mới nhất tại Italy không chỉ tác động tới nền kinh tế đang rất khó khăn của nước này, mà còn gây ảnh hưởng tới nền tài chính của nhiều nước châu Âu, cũng đang chao đảo trong cơn bão nợ. Dư luận lo ngại viễn cảnh ông Berlusconi trở lại cương vị người đứng đầu chính phủ sẽ khiến cuộc khủng hoảng châu Âu thêm tồi tệ. Rất nhiều ý kiến cho rằng những khó khăn xã hội, kinh tế, tài chính mà Italy đang phải đương đầu chính là sản phẩm của ông Berlusconi sau 20 năm nắm quyền.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Italy có thể là tâm điểm khủng hoảng nợ tiếp theo của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, sau Hy Lạp, Tây Ban Nha. Điều này khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cảnh báo, Italy cần phải tiếp tục con đường cải tổ trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhấn mạnh "ông Monti là vị Thủ tướng vĩ đại của Italy"; đồng thời bày tỏ hy vọng "các chính sách của ông Monti sẽ được tiếp tục sau bầu cử". Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp cũng mong muốn ông Monti vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị tại Italy./.