Châu Âu vẫn bất đồng trong việc giải quyết vấn đề người di cư
VOV.VN - Cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Hiệp ước Schengen.
Tổng thống Hy Lạp Prokopios Pavlopoulos hôm qua cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tạo thuận lợi cho tình trạng người di cư từ lãnh thổ của mình sang châu Âu. Cáo buộc này đưa ra trong bối cảnh năm ngoái đã có hơn 1,1 triệu người di cư tràn vào châu Âu buộc nhiều quốc gia phải tuyên bố tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen –vốn là niềm tự hào của châu Âu nhằm kiểm soát dòng người tị nạn.
Phát biểu khi ở thăm Đức, Tổng thống Hy Lạp Pavlopoulos cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không giảm được số người di cư vào châu Âu như đã cam kết.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn tiếp tục khiến giới chức châu Âu phải "đau đầu". (Ảnh: ABC) |
"Điều quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tham gia vào nỗ lực hạn chế người di cư một cách đúng đắn. Họ cần phải thực hiện đầy đủ các cam kết của mình trong việc xác định các tuyến đường mà người di cư đổ vào châu Âu. Tiếp đến họ cũng cần phải xác định được đâu là người di cư bất hợp pháp và người tị nạn”, ông Pavlopoulos nói.
Theo thỏa thuận đạt được vào tháng 12/2015 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp ngăn chặn người tị nạn ở bên ngoài biên giới liên minh này, đổi lại sẽ được hưởng khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro. Ủy ban châu Âu đã chuyển khoảng 500 triệu euro, phần còn lại sẽ được các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đóng góp.
Tổng thống Pavlopoulos tuyên bố, Hy Lạp sẵn sàng đóng góp vào khoản hỗ trợ trên của Liên minh châu Âu cho Thổ Nhĩ Kỳ, song với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện đầy đủ mọi cam kết của mình.
Hồi đầu tháng này, Ủy ban châu Âu (EC) cũng tuyên bố chưa hài lòng về chính sách ngăn chặn người di cư của Thổ Nhĩ Kỳ vì số người di cư mới đến châu Âu vẫn ở mức quá cao. Hiện giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bình luận gì về những cáo buộc trên.
Trong bối cảnh lãnh đạo các quốc gia thành viên EU chưa đạt được sự đồng thuận để đưa ra một chiến lược chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng trầm trọng, thì mới đây, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã tuyên bố tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen về miễn thị thực giữa 22 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và 4 quốc gia ngoài Liên minh châu Âu.
Theo đó, Áo sẽ siết chặt kiểm soát biên giới và kiểm tra từng người nhập cảnh, tăng cường kiểm tra người di cư và trục xuất những người không có quyền tị nạn. Từ nay, bất kỳ ai muốn nhập cảnh vào Áo đều phải xuất trình thẻ căn cước hợp lệ tại các trạm kiểm soát biên giới. Điều này đi ngược với quy định của Hiệp ước Schengen, cho phép công dân có thể đi lại tự do giữa các nước trong khối.
Trước đó, Đan Mạch và Thụy Điển đã có những biện pháp nhằm siết chặt kiểm soát người nhập cảnh vì lo ngại các nguy cơ mất an ninh do dòng người di cư ồ ạt. Thế nên, việc Áo tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen cho thấy dự án hội nhập 20 năm tuổi bị đe dọa nghiêm trọng bởi sức ép chính trị từ "dòng thác" hơn 1 triệu người di cư đổ vào Liên minh châu Âu.
Quan trọng hơn, nó sẽ đặt ra một tiền lệ cho những quốc gia tiếp theo trong liên minh có động thái tương tự nhằm đối phó với làn sóng người nhập cư chưa có hồi kết. Và như vậy, cuộc khủng hoảng di cư đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Hiệp ước Schengen./.