Chi tiêu quân sự toàn cầu lần đầu vượt mốc 2.000 tỷ USD, châu Âu đang là điểm nóng
VOV.VN - Chi tiêu quân sự trên toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 2.000 tỷ USD trong một năm và con số này dự tính tiếp tục gia tăng trong bối cảnh các nước châu Âu tăng cường lực lượng vũ trang nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukaine.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong năm 2021, các quốc gia đã chi tiêu tổng cộng 2.113 tỷ USD cho quân đội, tăng 0,7% so với năm 2020. Dữ liệu của SIPRI cho biết, chi tiêu quân sự đã giảm trong một khoảng thời gian ngắn, từ năm 2011 đến 2014, nhưng sau đó gia tăng trong 7 năm liên tiếp. Sau khi Nga tấn công Ukraine, chính phủ một số nước châu Âu đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng để củng cố năng lực quân đội.
Giám đốc chương trình vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI Lucie Beraud-Sudreau cho biết: “Châu Âu có xu hướng ngày càng gia tăng chi tiêu và xu hướng này sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Thông thường, sự thay đổi diễn ra rất chậm, nhưng khi bạn rơi vào một cuộc khủng hoảng thì điều này sẽ thực sự xảy ra. Tôi cho rằng đây là những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay”.
Xu hướng đảo chiều về chi tiêu quân sự từ năm 2015, được thúc đẩy một phần nhờ việc gia tăng chi tiêu quốc phòng tại châu Âu sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Mối đe dọa từ Nga cùng việc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump gia tăng sức ép buộc các đồng minh phải chi nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang của họ đã khiến châu Âu thay đổi lập trường, bà Lucie Beraud-Sudreau lưu ý.
Chi tiêu quốc phòng của châu Âu năm 2021 chiếm 20% chi tiêu quân sự toàn cầu, còn Trung Quốc chiếm 14%. Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là nước chi tiêu nhiều nhất cho quân sự. Theo SIPRI, năm 2021, nước này đã phân bổ 801 tỷ USD cho các lực lượng vũ trang. Trong 1 thập kỷ qua, chi tiêu quân sự của Mỹ đã chiếm tới 39% tổng chi tiêu quân sự trên toàn cầu. Mặc dù giảm mua vũ khí, nhưng Washington lại dành kinh phí lớn hơn cho nghiên cứu và phát triển quân sự. Điều này cho thấy, Mỹ đang tập trung nhiều hơn và các công nghệ chế tạo vũ khí thế hệ mới, nhà nghiên cứu Alexandra Marksteiner của SIPRI nhận định.
Bà Lucie Beraud-Sudreau cho biết, khi các quốc gia châu Âu, từ Thụy Điển đến Tây Ban Nha, cam kết tăng ngân sách quốc phòng, có nhiều dấu hiện cho thấy họ sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc hiện đại hóa và nâng cấp vũ khí. Để thực hiện điều này, họ phải đối mặt với 2 lựa chọn: một là mua vũ khí sẵn có từ các nhà sản xuất ở những nơi khác trên thế giới, hai là theo đuổi cách tiếp cận lâu dài thông qua tài trợ cho ngành công nghiệp vũ khí trong nước./.