Chiến dịch Idlib - “màn so găng cuối cùng” quyết định cục diện Syria
VOV.VN - Loạt động thái dịch chuyển quân sự của các bên xung quanh Idlib đang khiến tình hình tại khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ này ngày càng nóng.
“Một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21” là kịch bản mà Liên Hợp Quốc cho là “không thể tránh khỏi” tại Syria nếu cộng đồng thế giới không ngăn chặn được nguy cơ một cuộc chiến đổ máu tại tỉnh Idlib. Đây là thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria và là tâm điểm của mọi căng thẳng hiện nay không chỉ giữa các lực lượng đối lập nước này, mà cả các cường quốc khu vực và thế giới, trong đó có Nga, Mỹ, Anh và Pháp.
Hai cậu bé tị nạn Syria ở gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP) |
Liên Hợp Quốc ngày bày tỏ lo ngại sâu sắc về nguy cơ “một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21” nếu cuộc chiến giữa quân đội Syria và phe đối lập thực sự nổ ra tại tỉnh Idlib.
Chỉ trong hơn 1 tuần qua (1-9/9) đã có hơn 30.000 người, trong đó phần nhiều là phụ nữ và trẻ em đã tìm cách chạy khỏi các khu vực phía Nam và Tây Nam Idlib, cũng như Bắc và Tây Bắc tỉnh láng giềng Hama.
Phần lớn là tới khu vực phía Bắc Idlib, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Liên Hợp Quốc đồng thời một lần nữa nhấn mạnh, cuộc chiến tranh tại Syria đã sang năm thứ 7 và đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
“Cần phải tìm ra cách giải quyết vấn đề này” – Điều phối viên khẩn cấp Liên Hợp Quốc Mark Lowcock cảnh báo, “nếu không chỉ trong vài tháng tới thôi, Idlib sẽ trở thành một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21”
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta từng chứng kiến trận sóng thần năm 2004 đã giết chết 250 nghìn người, nạn đói khủng khiếp tại Somalia năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của 250 nghìn người khác. Vì thế, sẽ là không thể chấp nhận được nếu chúng ta lại phải mất đi rất nhiều sinh mạng ở Idlib”.
Một loạt động thái dịch chuyển quân sự của các bên xung quanh tỉnh Idlib đang khiến tình hình tại khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ này ngày càng nóng bỏng.
Được sự ủng hộ của Nga và Iran, chính phủ Syria đang lên kế hoạch một chiến dịch quy mô nhằm tránh cho Idlib trở thành “một ổ khủng bố mới”, với những hậu quả khó lường không chỉ đối với nước này, mà cả khu vực và thế giới. Liệu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có ngăn được nguy cơ Idlib bị “tắm máu”?
Trong khi đó, Mỹ cũng rậm rịch chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự, mà nước này cho là nhằm đáp trả một vụ tấn công hóa học có thể tại Syria.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, Mỹ, cùng với các đồng minh Anh và Pháp đã nhất trí sẽ có câu trả lời mạnh mẽ nhất trước bất kỳ hành vi sử dụng vũ khí hóa học nào của chính quyền Syria.
“Liên quan vấn đề vũ khí hóa học tại Syria, như các bạn đã biết câu trả lời của chúng tôi là rất mạnh mẽ một khi có được trong tay những bằng chứng không thể nhầm lẫn, một là vào tháng 4 năm ngoái và một là vào tháng 4 năm nay. Bởi vì việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt là điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump không thể chấp nhận” – ông John Bolton nói.
Hồi giữa tuần trước, tướng Francois Lecointre, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp cũng tuyên bố, Pháp sẵn sàng tấn công Syria một lần nữa nếu chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học. Theo ông, Pháp luôn sẵn sàng cho kịch bản này bởi Tổng thống nước Cộng hòa vẫn duy trì mệnh lệnh sẵn sàng hành động nếu vũ khí hóa học được sử dụng một lần nữa.
Phản bác những tuyên bố của Mỹ và các đồng minh phương Tây, Chính phủ Nga cho rằng, nếu chỉ đưa ra vài lời cảnh báo, mà không tính đến nguy cơ rất nguy hiểm và tiêu cực đối với toàn bộ tình hình ở Syria, có lẽ là một sự tiếp cận không đầy đủ và không toàn diện. Idlib đang trở thành “một ổ khủng bố mới” và nếu không nhanh chóng dập tắt, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Trên thực tế, tỉnh Idlib hiện có gần 3 triệu dân, nhưng hàng chục nghìn người trong số này là các tay súng nổi dậy. Trong khi đó, tại đây, ước tính cũng có tới 10.000 tay súng thánh chiến thuộc nhóm Mặt trận Al-Nusra, một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Syria.
Mặt khác đây lại cũng là nơi đang chứng kiến cuộc đua giành ảnh hưởng và tìm kiếm lợi ích chiến lược của các cường quốc khu vực và thế giới. Đây cũng là một phần lý do khiến lộ trình hòa bình Syria tới nay vẫn gặp rất nhiều trắc trở dù đã sang năm thứ 7.
Nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc can dự vẫn luôn hiện hữu và chắc chắn kết quả “màn đấu trí và lực” của các bên ở Idlib có thể sẽ tạo bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng Syria, song cũng có thể làm phức tạp thêm tiến trình giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng này./. Ảnh: Đến trẻ em cũng được chuẩn bị sẵn sàng cho trận tử chiến Idlib, Syria
Nga đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ họp bất thường về tình hình Syria
Hơn 30.000 người Syria tháo chạy khỏi Idlib