Chính phủ Hy Lạp đạt thỏa thuận với chủ nợ, người dân chưa hết khổ
VOV.VN - Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ trong bối cảnh người dân không còn đủ kiên nhẫn với những hứa hẹn về cải thiện tình hình tài chính.
Một ngày sau cuộc biểu tình của khoảng 10.000 người nhằm phản đối quyết định cắt giảm ngân sách, chính phủ Hy Lạp hôm nay (2/5) đạt được thỏa thuận về những biện pháp thắt chặt kinh tế với các chủ nợ quốc tế. Một tương lai đen tối vẫn đang ở trước mắt người dân Hy Lạp, khi mà 7 năm thắt chặt kinh tế để đổi lại các khoản vay đã kiến đời sống của họ kiệt quệ.
Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối định cắt giảm ngân sách. (Ảnh: PA)
Chính phủ Hy Lạp cùng các chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho quốc gia này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, thỏa thuận này bao gồm cải cách lao động, năng lượng, cắt giảm quỹ hưu trí và tăng thuế. Giới chức Hy Lạp tin tưởng thỏa thuận sẽ cho phép Hy Lạp đảm bảo các biện pháp giảm nhẹ nợ, điều thiết yếu đối với sự phục hồi của nền kinh tế vẫn chật vật trong khủng hoảng này.
Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế trong bối cảnh người dân trong nước đã không còn đủ kiên nhẫn với những lời hứa hẹn về cải thiện tình hình tài chính, thay vào đó cái mà họ nhận được tiếp tục là các biện pháp cải cách và thắt chặt chi tiêu.
Hơn 10.000 người Hy Lạp đã xuống đường biểu tình trong Ngày Quốc tế Lao động (1/5) để phản đối cuộc đàm phán đang diễn giữa chính phủ và các chủ nợ, cũng như các biện pháp cắt giảm ngân sách mới.
Tham gia cuộc biểu tình, ông Thanasis Katsabis, một luật sư 32 tuổi cho biết: “Chính phủ hiện nay tại Hy Lạp không khác gì các chính quyền tiền nhiệm khi áp đặt các biện pháp thắt chặt tài chính vì cùng một mục tiêu bóc lột tận xương tủy những người lao động làm việc cho họ. Chúng tôi muốn đứng lên để bảo vệ những người nghèo nhất trong xã hội Hy Lạp, những người đang cần đến sự giúp đỡ nhất”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký một Hiệp hội lương hưu Manilis Rallakis nói: “Chúng tôi cùng đoàn kết để thể hiện sự phản đối với các chính cách của chính phủ Hy Lạp, phản đối tất cả các đảng phái chính trị khi họ muốn hoàn tất cuộc đàm phán đánh giá lại gói cứu trợ tài chính. Cuộc đàm phán này nhằm phá hủy đời sống người dân Hy Lạp và những lao động đã về hưu”.
Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras lên nắm quyền cách đây 2 năm với cam kết chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã kéo dài nhiều năm qua khiến đời sống người dân “Xứ sở thần thoại” kiệt quệ. Các cuộc thăm dò dư luận đã phản ánh rõ nhất thái độ của người dân với chính phủ của ông Tsipras. Tỷ lệ ủng hộ đảng cánh tả của ông đã sụt giảm nghiêm trọng và phải xếp thứ 2 sau tỷ kệ ủng hộ dành cho đảng bảo thủ Dân chủ mới. Người dân Hy Lạp lại biểu tình phản đối các biện pháp tài chính mới
Trước đó, dưới áp lực của các chủ nợ, Chính phủ Hy Lạp đã chấp thuận cắt giảm ngân sách thêm 3,6 tỷ euro trong năm 2019 và 2020. Hy Lạp thừa nhận việc cắt giảm quỹ hưu trí và mức miễn thuế mới là nhằm đổi lấy sự chấp thuận sử dụng số tiền tương đương cho các biện pháp xóa đói giảm nghèo.
Dự kiến thỏa thuận này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào trung tuần tháng 5 trước khi được đưa ra cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào ngày 22/5, như điều kiện để Hy Lạp tiếp tục nhận được gói cứu trợ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cũng đã tuyên bố sẽ không thực hiện các khoản cắt giảm trên nếu không có lời cam kết rõ ràng từ các chủ nợ về các biện pháp giảm nhẹ nợ cho nước này.
Hy Lạp đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ euro, chiếm khoảng 160% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Thỏa thuận mới này mở ra hy vọng giúp Hy Lạp có thể nhận được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3, để kịp thời thanh toán khoản nợ 7 tỷ euro đáo hạn vào tháng 7 tới và một lần nữa tránh được nguy cơ mất khả năng thanh toán dẫn tới việc phải rời khỏi Eurozone./.