Chính phủ và phe đối lập Ukraine bắt đầu đàm phán
VOV.VN - Dù vậy, tình hình ở Ukraine vẫn rất căng và phe đối lập chưa thật sự nhượng bộ và tiếp tục kêu gọi người dân biểu tình.
Lãnh đạo của cả 3 chính đảng đối lập ở Ukraine hôm qua (13/12) bắt đầu đối thoại với Tổng thống Viktor Yanukovych nhằm tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 3 tuần qua.
Trước thềm cuộc đối thoại với lãnh đạo 3 chính đảng đối lập, Tổng thống Yanukovych cũng đã đề xuất ân xá cho người biểu tình bị bắt giữ trong những tuần qua, thậm chí cả những người có phạm tội nhưng không nghiêm trọng. Đây là động thái nhượng bộ phe đối lập nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình phản đối việc chính phủ Ukraine tạm ngừng đàm phán ký kết hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu cuối tháng trước.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Tổng thống Yanukovych cho biết: “Tôi lấy làm tiếc và lo ngại về một số vụ bạo lực trong các cuộc biểu tình vừa qua. Cả người biểu tình lẫn lực lượng thực thi pháp luật đều có những hành động không thích hợp.”
Mặc dù chính phủ Ukraine cam kết vẫn theo đuổi chính sách hội nhập với châu Âu, phe đối lập vẫn chưa thật sự nhượng bộ và tiếp tục kêu gọi người dân tham gia các cuộc biểu tình cho đến khi các yêu sách của họ được giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, trong số các yêu sách này có điều kiện chính phủ phải từ chức là điều Tổng thống Yanukovych không thể chấp nhận được.
Lãnh đạo đảng đối lập Udar (Cú đấm), ông Vitaly Klistchko cho rằng cuộc đối thoại này chưa giải quyết được bất cứ vấn đề nào trừ yêu sách thả người biểu tình: “Chúng tôi không có câu trả lời rõ ràng cho rất nhiều vấn đề. Chỉ có 1 điểm duy nhất mà Tổng thống đã cam kết là trong những ngày tới chính phủ sẽ không sử dụng cảnh sát để giải tán người biểu tình hòa bình. Chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng.”
Ukraine nằm ở vị trí chiến lược giữa một bên là các nước Liên minh châu Âu ở phía Tây và bên kia là Nga và các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Tầm quan trọng về địa chính trị đáng lẽ phải mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Ukraine nhưng lại đang đẩy nước này vào tình trạng bị giằng xé giữa 2 thế lực lớn.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, một trong những lãnh đạo phe đối lập, ông Yuriy Lutsenko cho rằng, việc hội nhập với Liên minh châu Âu có thể giúp nước này giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước. Theo ông Lutsenko, nền kinh tế định hướng xuất khẩu này không nên phụ thuộc hoàn toàn vào thương mại với Nga mà cần phải thiết lập mô hình kinh tế thị trường ứng dụng những đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp như của Liên minh châu Âu.
Vấn đề không đơn giản như phe đối lập tưởng
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng con đường hội nhập Liên minh châu Âu không “trải đầy hoa hồng” như một số chính trị gia đối lập vẽ ra. Liên minh châu Âu chưa chắc đảm bảo cho Ukraine có nguồn đầu tư nước ngoài ổn định để thúc đẩy kinh tế trong nước, cải thiện mức lương tối thiểu hay giúp người dân Ukraine được miễn thị thực khi đến các nước Liên minh châu Âu khác, điều mà 28 nước thành viên của Ngôi nhà chung chưa bao giờ cam kết.
>> Đọc thêm: Ukraine trong thế giằng xé Đông-Tây
Kịch bản này thậm chí còn tồi tệ hơn khi nền kinh tế vốn yếu ớt của Ukraine phải chịu gánh nặng từ một số quy định ngặt nghèo của “sân chơi” Liên minh châu Âu. Theo ước tính của Thủ tướng Mykola Azarov, Ukraine phải chi ra 165 triệu ơrô trong vòng 10 năm tới để đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu.
Trước mắt, cuộc khủng hoảng chính trị vì sự giằng xé giữa Đông và Tây cũng đang gây tổn thất nặng nề cho kinh tế Ukraine. Đồng nội tệ của nước này hôm qua (13/12) tiếp tục trượt giá xuống mức thấp nhất so với USD trong vòng 4 năm qua, tức là sụt giá khoảng 20% so với thời điểm giữa năm 2009. Một số ngân hàng Ukraine thậm chí không mở cửa trong ngày hôm qua, một dấu hiệu cho thấy sự bất an của các chủ ngân hàng trước cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 12/12 thông báo, đàm phán viện trợ cho Ukraine đình trệ suốt 2 tuần qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Ukraine nhưng với những điều kiện ngặt nghèo như nước này phải tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái và tăng giá năng lượng. Nếu đàm phán tiếp tục đình trệ dẫn tới việc không nhận được viện trợ nước ngoài kịp thời, các nhà đầu tư lo ngại Ukraine khó có thể xoay sở 7 tỷ đôla trả nợ đáo hạn vào năm sau./.