Chính quyền Biden trước mối lo Iran chế tạo vũ khí hạt nhân
VOV.VN - Chính quyền của Tân Tổng thống Joe Biden đang lo ngại, chỉ vài tuần nữa, Iran có thể sẽ đủ vật liệu nguyên tử để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Do đó, vấn đề Iran đang được chính quyền Mỹ ưu tiên đặc biệt trong vấn đề đối ngoại trước mắt. Hiện cả Mỹ và Iran đều tỏ rõ mong muốn quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015, tuy nhiên, hai bên vẫn đang có những khác biệt về việc “ai sẽ phải nhượng bộ trước tiên”.
Hôm qua (1/2), Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu bật những mối quan tâm chính về chính sách đối ngoại của chính quyền mới, trong đó có vấn đề Iran. Ông kêu gọi Iran quay trở lại tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng tham gia lại thỏa thuận này nếu Iran đảo ngược lộ trình làm giàu uranium và tuân thủ mọi cam kết. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng, chỉ vài tuần nữa thôi, là quốc gia Trung Đông này có đủ vật liệu nguyên tử để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đây cũng là nhận định mới đây của Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan.
“Theo quan điểm của chúng tôi, ưu tiên trước mắt - đó là phải đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân đang leo thang với Iran khi nước này đang tiến tới việc có đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, chúng tôi sẽ tái lập một số các cam kết, có tính ràng buộc xung quanh vấn đề hạt nhân Iran – vốn đã bị loại bỏ trong suốt hai năm qua”, ông Jake Sullivan nói.
Tuy nhiên, phía Iran từ lâu đã có quan điểm rằng, Mỹ phải gỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt trước tiên, thậm chí là cả bồi thường thiệt hại do trừng phạt gây ra, nếu muốn Iran quay trở lại thực hiện cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết: “Một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và vi phạm cam kết của họ. Mỹ có trách nhiệm để quay trở lại thỏa thuận và thực hiện mọi cam kết. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các cam kết của mình ngay khi thấy Mỹ làm điều đó. Điều này đã được các nhà lãnh đạo hàng đầu của Cộng hòa Hồi giáo Iran, bao gồm cả Lãnh đạo tối cao của chúng tôi khẳng định”.
Thực tế, cả chính quyền mới của Mỹ và Iran đều đang muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân 2015, song chưa ai tỏ rõ sự nhượng bộ trước tiên. Hôm qua (1/2), Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) phối hợp để đưa cả Mỹ và Iran cùng lúc quay trở lại thỏa thuận này. Theo Nhà ngoại giao Iran, Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Joseph Borrell nên đóng vai trò điều phối thỏa thuận, theo đó ông Borrell có thể nêu ra các hành động cần thiết mà Mỹ và Iran cần thực hiện.
Đây được xem là một nhượng bộ đáng kể của Iran và đề xuất này được đánh giá có tính khả thi cao nhằm tránh kịch bản thỏa thuận hạt nhân 2015 bị đổ vỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, đó mới là ưu tiên trước mắt của Mỹ, bởi mục tiêu cao hơn nữa của Mỹ và các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015, hay một số nước Arab láng giềng và Israel là trong thời gian tới, Iran phải hạn chế chương trình tên lửa và tầm ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác để hướng tới một thỏa thuận “lâu dài hơn và mạnh mẽ hơn” với Iran bao gồm nhiều vấn đề khác chứ không chỉ hạt nhân. Dẫu vậy, đây vẫn là “bài toán khó” mà Iran không dễ gì chấp thuận./.