Chính quyền lâm thời Syria tìm kiếm tính hợp pháp và tái thiết đất nước
VOV.VN - Chính quyền lâm thời do lực lượng Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu tại Syria hôm qua (21/12) đã lần lượt bổ nhiệm ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng mới.
Hai tuần sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Syria Bashar al- Assad bị lật đổ, việc tìm kiếm sự công nhận của quốc tế và tái thiết đất nước là thách thức lớn nhất đối với chính quyền lâm thời quốc gia Trung Đông sau nhiều năm chiến tranh và xung đột.
Hãng thông tấn chính thức Sana của Syria dẫn một nguồn tin trong chính quyền lâm thời nước này cho biết, ông Asaad Hassan al-Shibani, 37 tuổi, cử nhân Anh văn, thạc sĩ Khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Sabahattin Zaim của Thổ Nhĩ Kỳ đã được chọn làm Ngoại trưởng mới của nước này. Trong khi đó, vị trí Bộ trưởng Quốc phòng sẽ do ông Murhaf Abu Qasra, một nhân vật chủ chốt trong lực lượng vũ trang đối lập đảm nhiệm. Theo chính quyền lâm thời Syria, bước đi là nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria trong việc thiết lập các mối quan hệ quốc tế mang lại hòa bình và ổn định.
Kể từ khi các lực lượng đối lập lên nắm quyền tại Syria, Thủ lĩnh HTS, ông Ahmed al-Sharaa, đã tích cực tiếp xúc với các phái đoàn nước ngoài, trong đó có Liên hợp quốc. Theo ông Geir Pedersen, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, con đường phía trước rất khó khăn. Đó là làm thế nào để thống nhất các phe phái đối lập, tái lập chính phủ, tái lập luật pháp, đảm bảo an ninh, quản lý dịch vụ thiết yếu, cùng rất nhiều thách thứ khác nữa.
Ông Pedersen nói: "Thách thức là rất nhiều. Trước hết là cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc. Thứ 2 là quy mô của những thách thức kinh tế. Chúng ta cần viện trợ nhân đạo ngay lập tức nhưng chúng ta cũng cần đảm bảo rằng Syria có thể được xây dựng lại, có thể phục hồi nền kinh tế và khởi động lại quá trình chấm dứt lệnh trừng phạt. Và thứ ba là tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng Syria có một quá trình chuyển đổi chính trị đáng tin cậy, toàn diện và có sự tham gia rộng rãi của tất cả các thành phần xã hội và đảng phái.”
Trước chiến tranh, dầu mỏ chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Syria và nông nghiệp chiếm khoảng 1/4 hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ nội chiến tàn khốc, toàn bộ hệ thống kinh tế ở Syria gần như bị tê liệt. 90% dân số sống trong cảnh nghèo đói. Giá trị đồng bảng Syria đã giảm mạnh và dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương - cần thiết để mua các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và các phụ tùng thay thế - gần như cạn kiệt.
Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn: “Thật vô lý khi giá một bình khí đốt tăng từ 20.000 lên 200.000 bảng Syria. Có những người không có tiền để ăn và bản thân tôi cũng không có đủ tiền để mua một bình khí đốt."
“Những thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt không chỉ là giá cả tăng cao và thu nhập của người dân cũng rất thấp. Tốc độ internet chậm cũng là một vấn đề đáng chú ý và còn nhiều thách thức khác nữa."
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad không có nghĩa là cuộc khủng hoảng tại Syria đã kết thúc mà sự khởi đầu của một hành trình phức tạp hướng tới hòa giải, phục hồi và tái thiết.
Lực lượng đối lập Syria đã tuyên bố chính quyền mới muốn khẳng định vai trò của Syria trong thúc đẩy hòa bình khu vực và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn đó sự hoài nghi xung quanh chính quyền lâm thời tại Syria và hiện không rõ, liệu HTS sẽ áp đặt luật Hồi giáo nghiêm ngặt hay thể hiện sự linh hoạt và tiến tới dân chủ. HTS từng là một phần của al-Qaeda cho đến khi quyết định cắt đứt quan hệ với mạng lới khủng bố quốc tế này vào năm 2016. Chính vì thế, khả năng củng cố sự ổn định nội bộ, nuôi dưỡng lòng tin trong cộng đồng dân cư đa dạng và đối phó sự can thiệp từ bên ngoài sẽ định hình tương lai của Syria.