Chính quyền quân sự Niger tuyển tình nguyện viên chiến đấu
VOV.VN -Trước khả năng can thiệp quân sự từ các nước láng giềng Tây Phi, các nhà hoạt động Niger đã phát động chiến dịch tuyển mộ hàng chục nghìn tình nguyện viên trên toàn quốc tham gia lực lượng chiến đấu bên cạnh lực lượng quân đội.
Truyền hình tiếng A rập Al Arabiya cùng các nguồn tin khu vực cho biết, sáng kiến tuyển mộ tình nguyện viên tham gia chiến đấu chống lại hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài được chính thức công bố và phát động đêm 15/8 tại thủ đô Niamey.
Ông Baku Amsaro, một trong những nhà hoạt động tham gia đề xuất sáng kiến cho biết, mục tiêu của chiến dịch là huy động hàng chục nghìn cư dân trên khắp đất nước Niger tham gia chiến đấu bên cạnh các lực lượng vũ trang chống lại các lực lượng xâm lược.
Theo đó, mọi công dân Niger trên 18 tuổi đều có thể đăng ký tham gia lực lượng tình nguyện và danh sách này sẽ được chuyển lên Hội đồng Quốc gia bảo vệ Tổ quốc – chính quyền quân sự do phe đảo chính lập ra. Ngoài trực tiếp cầm súng chiến đấu, các tình nguyện viên có thể tham gia các hoạt động hỗ trợ hậu cần, y tế, công binh, cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ lực lượng tuyến đầu.
Nhà hoạt động Baku Amsaro khẳng định, bước đầu, chiến dịch nhận được sự tham gia ủng hộ rất mạnh mẽ của cư dân thủ đô Niamey với hàng nghìn tình nguyện viên đã đăng ký.
Chiến dịch tuyển mộ tình nguyện viên tham gia lực lượng chiến đấu bảo vệ tổ quốc tại Niger được công bố và phát động ngay trước khi Tham mưu trưởng quân đội các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tiến hành cuộc họp đặc biệt trong hai ngày 17-18/8 tại Ghana để thống nhất kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp. Trước chiến dịch này, hàng nghìn cư dân thủ đô Niamey cũng đã tình nguyện tham gia các đội cảnh giới bảo vệ thủ đô nhằm ứng phó với khả năng ECOWAS can thiệp quân sự.
Về phần mình, trong những ngày qua, chính quyền quân sự Niger cũng tích cực triển khai tăng cường lực lượng và khí tài từ các địa phương về thủ đô Niamey để đối phó với kịch bản các nước láng giềng Tây Phi mở chiến dịch can thiệp quân sự.