Chính trường Thái Lan căng thẳng vì Dự luật Ân xá
VOV.VN - Hạ viện Thái Lan ngày 1/11 đã bỏ phiếu thông qua Dự luật Ân xá đang gây tranh cãi.
Với 307 phiếu thuận và 4 trường hợp không bỏ phiếu, Hạ viện Thái Lan đã thông qua giai đoạn 3 Dự luật Ân xá Worachai, dự luật mang tên Hạ nghị sỹ Worachai của đảng Vì nước Thái cầm quyền soạn thảo và đệ trình.
Đây là dự luật vốn gây tranh cãi trong xã hội Thái Lan kể cả từ trước khi dự luật này được Hạ viện thông qua giai đoạn 1 hôm 8/8 vừa qua.
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra thời còn cầm quyền trước cuộc đảo chính 2006 nay là một trong những đối tượng của dự luật Ân xá |
Điểm mấu chốt là ở chỗ, sau khi lọt qua vòng bỏ phiếu giai đoạn 1, Ủy ban Chỉnh sửa văn bản thuộc Hạ viện Thái Lan hôm 19/8 đã sửa nội dung của dự luật, trong đó quan trọng nhất là nới rộng thời gian và đối tượng được ân xá. Theo đó bổ sung thêm những đối tượng mà theo dự luật sẽ bao gồm cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, các lãnh đạo lực lượng Áo đỏ và lực lượng Áo vàng.
Mặc dù trong suốt 19 giờ qua, Hạ viện Thái Lan với số phiếu áp đảo thuộc về liên minh đảng cầm quyền do đảng Vì nước Thái đứng đầu đã tiến hành nhanh chóng 2 giai đoạn bỏ phiếu, điều được coi là thắng lợi trong nghị trường, nhưng hàng loạt cuộc biểu tình đang nổ ra hiện nay tại Thái Lan lại là điều gây lo lắng cho những người làm luật.
Hiện nay, hàng loạt cuộc biểu tình do các Hiệp hội, tổ chức xã hội đang nổ ra rầm rộ tại một số địa điểm ở Bangkok, đáng chú ý một số lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập đã từ bỏ chức Phó Chủ tịch đảng này để tổ chức và kêu gọi những người đối lập tham gia biểu tình. Cảnh sát Thái Lan đưa ra con số người biểu tình ước tính lên đến 10.000 người.
Diễn biến đáng chú ý nhất là lãnh đạo lực lượng Áo đỏ thân chính phủ và cựu Thủ tướng Abhisit nằm trong diện đối tượng ân xá của dự luật cũng phản đối dự luật này. Đây là những đối tượng đang đối mặt với những cáo buộc vi phạm pháp luật ở các cấp, từ Viện kiểm sát tối cao cho đến Tòa án.
Ông Abhisit đã tuyên bố không để vụ xét xử của mình trở thành con tin trong việc chấp nhận dự luật Ân xá bởi nếu được thành luật, điều này sẽ xóa tội tham nhũng cho cựu Thủ tướng Thaksin, người đang lưu vong để tránh bản án 2 năm tù mà Tòa án đã tuyên.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 1/11, Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Nikom Wairatpanij cho biết, Thượng viện có thể xem xét dự luật này vào ngày mùng 8 hoặc 11 tháng này để có thể thành lập Ủy ban Chỉnh sửa văn bản và xem xét dự luật này trong vòng tối đa 67 ngày.
Nhanh nhất, đến cuối tháng này, Thượng viện sẽ tiến hành giai đoạn 2 và 3 xem xét dự thảo trước khi Thủ tướng trình lên nhà Vua để ký thành luật. Tuy nhiên, nếu Thượng viện bác bỏ dự luật hoặc thông qua nhưng bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan bác bỏ, Dự luật ân xá sẽ không thành luật.
Từ nay đến cuối năm sẽ là khoảng thời gian diễn ra nhiều sóng gió trong chính trường cũng như xã hội Thái Lan, bởi nó sẽ là câu trả lời rõ nhất kể từ khi cuộc đảo chính quân sự tháng 9/2006 đến nay, rằng trên con đường phát triển đi lên phía trước của mình, Thái Lan sẽ “đếm lại từ đầu” hay tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn tại đầy phức tạp và gai góc./.