Chưa có "lối thoát" cho khủng hoảng chính trị Thái Lan
VOV.VN - Đa số dư luận Thái Lan ủng hộ Chính phủ và phe đối lập tiến hành đàm phán tìm giải pháp hòa bình thoát khỏi khủng hoảng.
Hôm nay (24/4), báo chí Thái Lan đưa nhiều tin bài phản ánh tâm trạng bi quan của dư luận chính giới và xã hội đối với diễn biến chính trị phức tạp ở Thái Lan, vì các phe phái trên chính trường nước này vẫn chưa tìm được "lối thoát" cho cuộc khủng hoảng.
Trong những ngày gần đây, hai vấn đề nổi cộm trên chính trường Thái Lan, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tương lai chính trị của nước này. Đó là tiến trình bầu cử Hạ viện và vụ kiện sắp được Tòa án Hiến pháp Thái Lan xét xử liên quan đến số phận chính trị của Thủ tướng Yingluc Shinawatra và Chính phủ Thái Lan tạm quyền. Tuy nhiên, phe Chính phủ và phe đối lập đang có lập trường, quan điểm mâu thuẫn nhau gay gắt về cả 2 vấn đề nêu trên.
Nhiều khả năng, Tòa án sẽ phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng tạm quyền Yingluck (ảnh: ibtimes) |
Về tiến trình bầu cử Hạ viện, ngày 22/4 vừa qua, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã tổ chức cuộc họp với đại diện 64 chính đảng để thảo luận thời điểm tổ chức bầu cử Hạ viện. Ủy ban bầu cử Thái Lan cũng dự định gặp Thủ tướng tạm quyền Yingluck để bàn việc ra sắc lệnh bầu cử Hạ viện mới, theo đó có thể tổ chức cuộc bầu cử này vào ngày 20/7.
Đáng tiếc là, Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Abhisit đã không tham dự cuộc họp nêu trên; trong khi nhà lãnh đạo biểu tình Suthep tuyên bố rõ ràng sẽ tiếp tục ngăn cản bầu cử Hạ viện nếu không có cải cách trước đó. Các chuyên gia chính trị Thái Lan nhận định, trong bối cảnh tình hình hiện nay, cuộc bầu cử Hạ viện của Thái Lan chắc chắn sẽ thất bại, nếu bị phe đối lập tẩy chay và sử dụng người biểu tình ngăn cản bầu cử.
Trong khi đó, vấn đề Tòa án Hiến pháp Thái Lan xét xử vụ kiện Thủ tướng Yingluck và Chính phủ tạm quyền liên quan việc thuyên chuyển Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thawil hồi năm 2011 cũng đang gây chia rẽ sâu sắc trong dư luận chính giới và xã hội Thái Lan.
Mặc dù ngày 23/4, Tòa án Hiến pháp đã quyết định tạm hoãn xét xử vụ kiện này tới đầu tháng 5, song diễn biến của vụ kiện cho thấy, có nhiều khả năng Tòa sẽ phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng Yingluck; thậm chí không loại trừ trường hợp Tòa có thể bãi nhiệm cả Chính phủ tạm quyền.
Phía Chính phủ đã công khai chỉ trích hệ thống tư pháp Thái Lan, cho rằng hệ thống này đã, đang và sẽ có những quyết định, phán quyết vượt quá khuôn khổ pháp luật và bất công đối với Chính phủ, có lợi cho phe đối lập.
Một số nhà chính trị và học giả ủng hộ dân chủ còn cảnh báo, nếu phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan gây ra tình trạng "chân không quyền lực" thì chính trường Thái Lan sẽ lập tức gia tăng căng thẳng và có nguy cơ xảy ra đụng độ bạo lực giữa lực lượng ủng hộ Chính phủ và lực lượng ủng hộ phe đối lập.
Đa số dư luận Thái Lan ủng hộ Chính phủ và phe đối lập tiến hành đàm phán để tìm giải pháp hòa bình thoát khỏi khủng hoảng chính trị. Phe Chính phủ đã có một số động thái mềm dẻo, chấp nhận thỏa hiệp như tiến hành bầu cử Hạ viện để lập Chính phủ ngắn hạn làm nhiệm vụ cải cách, sau đó sẽ bầu cử mới; hoặc có thông tin cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin tỏ ý sẵn sàng ngừng hoạt động chính trị vì sự ổn định của đất nước…
Tuy nhiên, phe đối lập vẫn tỏ thái độ "cứng rắn", như đòi thành lập Chính phủ "trung lập" và tiến hành "cải cách trước, bầu cử sau". Nếu sự khác biệt lớn về lập trường, quan điểm này không được thu hẹp, dung hòa thì việc đàm phán giữa Chính phủ và phe đối lập càng thêm khó khăn, trở ngại. Điều đó đồng nghĩa với việc chính trường Thái Lan sắp tới vẫn trong tình trạng bế tắc, diễn biến phức tạp và khó giải quyết hơn./.